1. Thay đổi hình ảnh đột ngột
Đi làm đôi ba năm, từ một đứa sinh viên chỉ biết học rồi học, đến khi trở thành nhân viên văn phòng, trông tôi quê một cục. Mất khoảng một năm đầu loay hoay với công việc, loay hoay với môi trường và cuộc sống mới, tôi vẫn chưa thoát ra khỏi hình ảnh cũ. Đến một ngày, đột nhiên tôi nghĩ, đã đến lúc phải quyết định làm mới hoàn toàn hình ảnh của mình, bắt đầu bằng cách trang điểm và ăn mặc. Nhìn những cô người mẫu trên tạp chí mà tôi thèm khát. Nhìn những chị nhân viên cũ già hơn tôi chục tuổi mà trông còn xinh đẹp trẻ trung gấp nhiều lần tôi mà tôi tủi thân. Thế là, tôi quyết định đầu tư một khoản tiền để sắm về một bộ mỹ phẩm đầy đủ thành phần, từ kem dưỡng, đến tầng tầng lớp lớp những loại phấn và màu mà tôi chưa từng sử dụng đến bao giờ. Tiếp theo là một loạt quần áo mà lúc đi mua hàng, cô bán hàng tâng bốc tôi đến tận mây xanh, nào là xinh đẹp với trẻ trung.
Đến khi về nhà, tôi hết cơn cảm xúc, mặc thử cả đống quần áo vào mới thấy, bộ thì trẻ trung thật nhưng quá hở hang cho công việc văn phòng. Bộ thì tuy là hàng hiệu, đắt đỏ nhưng già chát chúa. Có bộ mua giảm giá nhưng lỗi mốt đến đôi ba năm nay rồi, buổi sáng mặc vào chính tôi còn ngượng nữa là “rước” đến công ty cho mọi người bình luận!
Về số phận của bộ đồ trang điểm, thì sau khoảng 3 ngày hì hục sử dụng theo đúng các hướng dẫn của một trang điểm viên chuyên nghiệp, tôi đã biến khuôn mặt mình thành một chú hề vì sự non tay. Chưa kể phong cách còn không phù hợp với công việc thường ngày: da quá trắng, mắt quá đen, khuôn mặt trông quá mất tự nhiên… Oải quá, tôi quăng tất cả những thứ vừa tốn biết bao nhiêu tiền để mua vào sọt rác.
Bài học rút ra là trừ khi thừa tiền, nếu không, để tránh phải ăn mì gói trả nợ đến nửa năm sau như tôi hồi ấy, thì tốt nhất là chỉ nên mua những sản phẩm như son dưỡng, mascara… thông dụng. Tìm hiểu rõ về làn da của mình cũng như tính năng của sản phẩm trước khi quyết định chi tiền cho bước tiếp theo. Nếu thật sự cần “tô vẽ” cầu kỳ, hãy cầu viện đến các chuyên gia hoặc đăng kí học một lớp trang điểm trước khi tự thực hành!
2. Hãy về nhà nấu ăn
Tôi thường về sau tất cả mọi người, vì tôi là nhân viên mới, chưa quen việc. Ở văn phòng này, có vô khối những chi tiết rườm rà theo sau công việc chính mà chỉ cần mất tập trung một chút là nhầm lẫn và làm lại từ đầu. Đã có lúc tưởng chừng như tôi muốn bỏ việc vì cái cách làm việc hơi tiểu tiết ấy, tôi không quen. Và để rèn luyện cho mình cái thói quen chú ý vào những chi tiết, quả là không dễ. Cuối mỗi buổi chiều trở về, người tôi đau nhức như dần, đầu óc như một quả bóng bồng bềnh. Chưa kể, về muộn, vào lúc bụng bắt đầu đói, thêm cái mệt, tôi rất lười nấu nướng ở căn phòng trọ của mình. Và tôi ăn uống lang bạt quán xá như một thói quen lười biếng và giải trí. Lương mới đi làm, chưa cao, tôi liên tục tiêu hết ngay những ngày giữa tháng và vay mượn…
Qua vụ này, tôi thấy, giải pháp đưa ra là nếu thật sự bạn buồn và nhất thiết muốn tiêu tiền giải khuây, thì chịu khó mua về con lợn đất. Tuỳ mức độ buồn mà bỏ vào đấy số tiền tương đương với giá thành những món bạn định mua. Thậm chí, nếu bạn thấy chán đến mức có thể chết đi được thì cứ bỏ vào đấy cả tháng thu nhập của mình luôn cũng được. Hai ngày sau, khi không còn tiền mà mua khăn giấy, bạn tự khắc phải nín khóc mổ em lợn đất ra. Lúc đấy, nỗi buồn sẽ tất yếu qua đi, chỉ có tiền của bạn trong em lợn là còn giá trị!
3. Sách báo, tạp chí cũng làm chúng ta thủng ví
Mới đi làm, không như những nhân viên “già cỗi”, nhân viên trẻ thường rất chịu khó ôn luyện những kiến thức đã học hoặc các vấn đề chuyên môn, vì thế cũng thường “thủng ví” cho sách báo. Các khoản đầu tư cho tri thức thì luôn là chính đáng và chuẩn xác. Sách/ báo/ tạp chí… hình như không phải là chỗ để… tiếc tiền. Nhưng mà nghĩ lại đi, bạn hoàn toàn có thể thủng ví khi mua những thứ liên quan đến tri thức như vậy đấy.
Nếu dạo qua một vòng các hiệu sách, bạn sẽ ngộp thở về số lượng những quyển sách hiện nay. Nhìn chung đó đều là những quyển sách hay, và tên của chúng thì vô cùng hấp dẫn. Nhưng đừng nổi hứng lên mà mua thoải mái. Không nên có nhiều hơn 3 cuốn sách kiểu này, bởi, rồi bạn sẽ thấy, nội dung của chúng cũng từa tựa như nhau, chung quy đều nói về những phẩm chất cần có: biết tha thứ, biết yêu thương, biết tin tưởng, biết hi vọng; có khác chăng chỉ là cách truyền tải bằng những lời khuyên, những câu chuyện, những hình vẽ… Mà lý thuyết thì chỉ là lí thuyết. Bạn không nhất thiết phải mua (để thủng ví), mà cũng chưa chắc đủ thời gian để đọc. Dù sao dành thời gian suy ngẫm và thực hành thì vẫn tốt hơn!
Ngoài ra, nên đặt thường niên một loại tạp chí mà bạn thật sự yêu thích cũng như tận dụng tối đa những tạp chí online là cách tốt cho ví tiền của bạn. Đừng chạy đua bằng việc nổi hứng lên là mua tất cả những loại báo/ tạp chí về thời trang; mua sắm… cho có vẻ thời thượng và xếp lên cho đầy các mặt bàn, nóc tủ. Bạn sẽ không thể đọc và vận dụng hết những thông tin trong đó được đâu, chưa kể, các báo và tạp chí cũng có những thông tin trùng lặp đấy!
Minh Lâm
Xem thêm:
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.