Ngôi nhà 5 tầng của chị Hoàng Hương (Đông Anh, Hà Nội) luôn khiến bất kỳ ai đi qua đều phải dừng lại ngắm nhìn bởi vẻ đẹp mướt mát, xanh tươi của cây xanh, nét lãng mạn, ngọt ngào của những khóm hồng đua nhau làm duyên trong nắng. Yêu thích trồng cây, và cũng dành khá nhiều thời gian cho cây, hoa, chị Hương đã giúp tổ ấm của mình đẹp với ‘khu vườn’ tự trồng tự chăm, giúp mọi người trong nhà luôn có được nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo cho sức khỏe.
Chị Hương chia sẻ, chị không tốn quá nhiều tiền cho việc tạo một không gian xanh trên sân thượng và ban công mỗi tầng bởi chị tận dụng những thùng xốp mua hàng, thùng sơn hay các chậu nhựa khá bền mà giá phải chăng. Bên cạnh đó, chị không mua đất đã trộn sẵn như cách làm thông thường mà chị thường mua đất vườn hoặc xin thêm đất ruộng.
Sân thượng khi bắt đầu trồng cây.
Khi mới bắt đầu trồng, chị đã quy hoạch rõ ràng từng khoảng không gian giúp cây cối trông đẹp mắt và cũng dễ dàng chăm bón, đi lại hơn.
Chị dành một góc sân thượng cho cây leo giàn và đặt các thùng xốp.
Thùng xốp trồng rau luôn được kê cao giúp cây thoát nước tốt, tránh úng ngập làm hỏng cây.
Các loại rau ăn hàng ngày chị thường trồng theo mùa, mùa nào thức ấy. Có loại chị gieo hạt, ươm mầm, cũng có loại chị sử dụng cành như rau ngót, rau muống… Với việc đan xen nhiều phương pháp trồng cây một cách linh hoạt đã giúp cho sân thượng nhà chị luôn ngập tràn màu xanh tươi tốt.
Xà lách được trồng trong cách chậu dài, kê cao tăng diện tích trồng rau ở mặt sàn sân thượng.
Rau mùi cho nhiều món ăn hàng ngày thêm vị đậm đà, thơm phức.
Chị Hương tâm sự, tự tay mình làm đất, trồng cây, chăm sóc cây và ngắm chúng tốt tươi mỗi ngày cũng là niềm hạnh phúc của người làm vườn.
Mỗi khi đi làm về chị lại lên sân thượng hái rau, chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà.
Rau mồng tơi xanh tốt mơn mởn được chị hái thường xuyên để cây đẻ nhiều nhánh và không bị già nhanh.
Theo kinh nghiệm của chị thì với rau nào cũng vậy, đất phải đủ dinh dưỡng, tơi xốp, chịu khó vun đất vào gốc để rễ cây bám chặt thì cây nào cũng mập mạp, tốt tươi.
Rau dền mọc xanh tốt.
Chị Hương quan niệm, hàng ngày gia đình muốn ăn rau gì chị sẽ trồng rau đó. Các loại rau, quả phải phong phú một chút để đổi bữa liên tục. Vì thế, chị đã dành một khoảng sân thượng nho nhỏ để thiết kế giàn leo. Để chi phí được tiết kiệm nhất, chị chỉ sử dụng khung bằng kim loại chắc chắn, các nhánh chị lại dùng nứa, luồng hoặc cành cây khô để hỗ trợ cho việc leo của các loại rau quả.
Đậu cô ve leo thẳng lên các thanh nứa và cho ra rất nhiều quả.
Mướp cũng thi nhau ra hoa, kết trái.
Với cây ăn quả nói chung như mướp, đỗ, dưa chuột… chị thường thúc đạm cho cây leo giàn rồi bắt đầu chăm sóc bình thường, thi thoảng bón NPK xa gốc, khi có quả rồi thì cứ nước gạo, tro bếp, nước tiểu pha loãng… để bón.
Với dưa chuột, chị Hương chọn loại dưa chuột chịu nhiệt nếu muốn trồng quanh năm. Để có được giàn dưa xum xuê, chị đã dùng đạm pha loãng bón xa gốc khi cây còn nhỏ để thúc chúng leo giàn, khi chúng đã leo thi thoảng bón NPK, nước gạo ngâm, nước tiểu pha loãng, tro bếp… để bổ sung dinh dưỡng.
Thỉnh thoảng chị vun gốc cho cây. Khi cây được khoảng 11 nách lá, chị bấm ngọn cho sinh nhánh, nhiều nhánh sẽ nhiều quả. Bên cạnh đó, việc thu hoạch quả đúng thời điểm không được để quả già sẽ làm cây bền hơn. Chị cũng lưu ý rằng, dưa chuột là giống ưa ẩm, thiếu nước quả sẽ đắng.
Dưa chuột là món mọi người trong nhà đặc biệt yêu thích nên chị Hương đã trồng trên cả sân thượng và ban công.
Hai bên thành cao của sân thượng được chị Hương trồng cây ăn quả. Do diện tích sân thượng khá hạn chế nên chị đã trồng dọc theo thành và sử dụng khung sắt để ép cây vươn ra khoảng không phía ngoài sân thượng vừa giúp cây đón được nhiều nắng, ánh sáng tự nhiên vừa đảm bảo độ thoáng cho sân.
Hai bên thành sân thượng được trồng rất nhiều loại cây ăn quả như ổi, khế, cóc, nho, xoài, lựu, hồng xiêm, chanh, táo…
Mọi người khá ngạc nhiên khi chanh nhà chị ra rất nhiều hoa và trĩu quả, chị cũng cởi mởi chia sẻ: ‘Vào tháng 11 Âm lịch, đảo bầu gốc chanh, cắt mạnh rễ xung quanh bầu, sau đó trồng lại, tưới nước nhẹ. Vài ngày sau tưới thưa dần để bầu đất hơi khô, cây hơi héo thì tưới nhẹ dần trở lại. Khi bón phân cần bón xa gốc. Để cây chanh ra hoa, bạn hãy ngưng tưới nước cho cây trong vòng 10-20 ngày (tùy thời tiết), bạn sẽ thấy cây rụng hết lá như thể đã chết… Sau đó bạn tưới nước lại, lúc này cây sẽ ra hoa. Hãy đảm bảo che chắn đừng để những làn gió mạnh quá nhiều làm rụng hoa. Khi cây đậu quả bạn cũng đừng tưới phân gì cho cây, chỉ có nước sạch thôi, nếu không quả sẽ rụng hết đấy. Khi quả đã lớn bạn có thể cho chúng chút xíu hạt NPK vào gốc nếu cần’.
Chị Hương tiết lộ, với rau trồng chị cải tạo đất hàng năm, kết hợp với bón phân bổ sung hàng tuần. Với cây ăn quả, chị không thay được đất nên đã sử dụng phương án xới đều bề mặt, đảo đất với phân gà, rồi pha loãng NPK để tưới.
Cóc sai quả trĩu xuống phía ngoài sân thượng.
Ngoài cây ăn quả và rau xanh, chị Hoàng Hương cũng trồng xen kẽ khá nhiều hồng giúp không gian sống của gia đình mình luôn ngọt ngào đầy sắc hương.
Với hoa, chị cũng chia sẻ, chị để cây phát triển tự nhiên, đón ánh sáng mặt trời, nắng gió tự nhiên. Chị thường tưới hồng vào buổi sáng trước khi đi làm.
Hồng có mặt ở cả sân thượng và hồng leo tô điểm cho khoảng ban công giúp ngôi nhà thêm đẹp xinh, bắt mắt.
Bảo Anh
Chia sẻ căn nhà hoặc vườn đẹp của bạn tại đây.
Xem thêm:
Ngắm nhà hay Nhà xanh Chăm sóc tư vấn
Phong thủy Không gian ngoài trời
Phòng khách, Nhà bếp, Phòng ăn, Phòng ngủ, Phòng tắm,
Cách chăm sóc trang trí nhà có trẻ con
Ngắm những ngôi nhà nhỏnhưng vẫn đầy đủ tiện nghi
Trồng cây cảnh và rau sạch quanh nhà Mùa này trồng gì
Cần tư vấn thiết kế nhà – Hỏi kiến trúc sư
Mẹo chăm sóc trang trí nhà trong mùa hè
Các phong cách nội thất trên thế giới
Chăm chút từng góc nhỏ cho căn nhà của bạn
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.