Nếu bạn đổi mắt cho một con chim ưng, bạn sẽ có thể nhìn thấy cả một con kiến bò trên mặt đất từ nóc của một tòa nhà 10 tầng.
Bạn cũng có thể nhìn ra sắc thái trên khuôn mặt của cầu thủ trên sân dù ngồi ở vị trí xấu nhất trong sân vận động. Những vật thể nằm trong hướng nhìn trực diện của bạn dường như đã được phóng đại, mọi thứ sẽ có màu sắc hết sức rực rỡ, tươi sáng.
Ngoài ra, theo LiveScience, chim ưng còn có thể nhìn xa hơn mắt người từ 4-5 lần, đồng nghĩa với thị lực 20/5 hay 20/4 trong điều kiện lý tưởng.
Nghiên cứu về khả năng trang bị mắt chim ưng cho người trên tạp chí Life Mysteries
Theo Giáo sư nổi tiếng William Hodos của Đại học Maryland, người đã nghiên cứu về sự chính xác của thị lực chim từ những năm 70 thì một đôi mắt của chim ưng sẽ không làm thay đổi nhiều cách chúng ta tiến hành các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đọc màn hình máy tính hay báo in, cũng như tìm thấy hộp sữa trong tủ lạnh chật cứng. Thế nhưng cách chúng ta nhìn nhận thế giới và sử dụng mắt mình sẽ hoàn toàn khác biệt.
Cụ thể, ngoài việc nhìn xa hơn và trông sự vật lung linh sắc màu hơn, chúng ta sẽ gần như tăng gấp đôi trường thị lực của mình. Với việc mắt được đặt cách xa sống mũi một góc 30 độ giống như chim ưng, chúng ta sẽ quan sát được gần như tất cả những gì xảy ra sau đầu, với góc nhìn lên tới 340 độ (con người chỉ có góc nhìn 180 độ). Như vậy thì hiển nhiên là việc săn mồi và tự vệ đều ưu việt hơn hẳn.
Với đôi mắt chim ưng, chúng ta sẽ liên tục xoay đầu. Để định vị con mồi hay bất cứ vật gì khiến ta quan tâm ở xa, ta sẽ đều đặn xoay đầu về hướng đó, Giáo sư Hodos cho biết. Tuy nhiên, thị lực cải thiện cũng không phải là không có mặt trái. “Loài chim dành một phần não lớn dành cho việc xử lý hình ảnh, lớn hơn các loài động vật còn lại. Chính vì thế mà vị giác và khứu giác của chúng không thật sự phát triển”.
Hiện tại, một số công nghệ đang được phát triển để trang bị cho con người thị lực giống như chim ưng. Chúng đều tập trung vào việc tăng mật độ điểm ảnh trong đồng tử, cải thiện góc nhìn… tuy nhiên còn cách việc ứng dụng vào thực tiễn khá xa.
Theo Livescience, Vietnamnet