Ngày 24-9, hội nghị quốc tế về khí hậu lớn nhất từ trước tới nay tại New York đã mở màn cho phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Mùa hè kéo dài ở Bắc cực, bão lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài… là một số tín hiệu cho thấy nỗ lực ngăn chặn sự ấm dần toàn cầu đã không có kết quả. Vì thế Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon kỳ vọng hội nghị qui tụ trên 80 nguyên thủ và hàng chục đại diện cao cấp khác từ các nước sẽ giúp tạo bước ngoặt về phản ứng chính trị đối với thách thức thay đổi khí hậu.
Tương lai nào sau nghị định thư Kyoto?
Theo tờ Christian Science Monitor, kết quả cụ thể từ hội nghị mà ông Ban Ki Moon và các chuyên gia khí hậu LHQ chờ đợi là động lực mới giúp đưa hội nghị khí hậu LHQ tại Bali, Indonesia vào tháng mười hai tới thành công. Hội nghị Bali sẽ phải giải quyết câu hỏi mấu chốt: thỏa thuận quốc tế nào sẽ thay thế nghị định thư Kyoto về giảm bớt khí thải nhà kính sẽ hết hiệu lực năm 2012. “Điều tôi muốn là sự cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp lãnh đạo dành cho hội nghị ở Bali” – ông Ban Ki Moon không úp mở trước cánh báo chí.
Nông dân Trung Quốc lấy nước từ một hồ gần khô cạn vì hạn hán (Ảnh: Reuters) |
Kịch bản hay nhất sẽ là việc chính phủ các nước đạt một thỏa thuận vào khoảng năm 2009 để thay thế nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên mục tiêu này không dễ đạt được và nhiều con mắt sẽ đổ dồn vào cuộc họp tại Nhà Trắng do Tổng thống George Bush chủ trì ngày 27-9 với sự tham dự của 16 nền kinh tế thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Bên cạnh đại diện từ các quốc gia G8, cuộc họp sẽ qui tụ những nước như Indonesia, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc. Sự chú ý vào cuộc họp này càng nhiều thêm bởi Tổng thống Bush đã bỏ qua tất cả sự kiện của hội nghị khí hậu quốc tế hôm thứ hai và chỉ có mặt tại… buổi ăn tối riêng tư.
Quan điểm của ông Bush tại cuộc họp do ông chủ trì vào thứ năm sẽ giúp đo lường cam kết hành động của Mỹ ở mức bao nhiêu và loại hành động nào được Washington chấp nhận. Một số chuyên gia quan ngại Mỹ sẽ khăng khăng giữ lập trường cắt giảm khí thải tự nguyện chứ không cam kết cụ thể, hoặc là cuộc họp này cho thấy Mỹ muốn vượt ra ngoài khuôn khổ LHQ để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.
Một cản ngại khác đối với thỏa thuận hậu Kyoto là bất đồng kéo dài giữa các nước công nghiệp hóa và các nước đang phát triển về việc ai sẽ cam kết cắt giảm khí thải đáng kể hơn. Một phần cũng vì thiếu sự cam kết cắt giảm khí thải từ các nước đang phát triển nên Tổng thống Bush cũng đã từ chối tham gia.
Iran và thế giới
Bên cạnh chủ đề lớn nhất là thay đổi khí hậu, khóa họp thứ 62 của Đại hội đồng LHQ nhiều khả năng sẽ chứng kiến những quan điểm và tranh luận khá gay gắt về chương trình hạt nhân của Iran. Trước khi đáp máy bay đến New York, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhận định đây là vấn đề cháy bỏng nhất đối với cá nhân ông tại lần đầu tiên ra mắt trước LHQ.
Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times và International Herald Tribune, ông Sarkozy xác định rõ lập trường của Pháp: “Không có vũ khí hạt nhân dành cho Iran, một kho vũ khí cấm vận dùng để thuyết phục họ, thương lượng, thảo luận và kiên định”.
Khi được hỏi liệu Paris có đồng ý với quan điểm của chính quyền Bush “tất cả mọi chọn lựa đều ở trên bàn”, ông Sarkozy trả lời rằng đây không phải là câu nói của ông và ông không muốn biến nó thành của mình. Với đề nghị liệu nên chọn giữa một Iran có vũ khí hạt nhân và việc dùng vũ lực, ông Sarkozy không đưa ra câu trả lời vì “không muốn rơi vào cái bẫy” mà lãnh đạo Iran cũng muốn đặt ra.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong khi đó cho biết đang nóng lòng để trình bày lập trường của mình trước dân chúng Mỹ. Theo ông, người dân Mỹ đã tiếp nhận những thông tin “không đáng tin cậy” và hi vọng với chuyến đi này của ông, họ sẽ được “nghe bằng hai tai”. Phát biểu với kênh truyền hình CBS, Tổng thống Ahmadinejad nói Iran không cần có vũ khí hạt nhân và không muốn chiến tranh với nước Mỹ.
Trong suốt tuần lễ kỳ họp Đại hội đồng LHQ, nhiều cuộc họp song phương và đa phương sẽ diễn ra tấp nập tại New York bàn về những điểm nóng khác như tình hình an ninh tại Afghanistan, Iraq, Kosovo, hòa bình giữa Israel và Palestine… Mặc dù chỉ cử quyền Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến New York, Nga dự định sẽ giới thiệu nhiều dự thảo nghị quyết về sự minh bạch về khám phá không gian, an ninh thông tin quốc tế, các hình thức mới của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi dự họp Đại hội đồng LHQ Vào lúc 23g30 đêm 24-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ VN đã rời VN đến thành phố New York (Mỹ). Đoàn sẽ tham dự khóa họp thường niên lần thứ 62 Đại hội đồng LHQ tại New York. Sau đó, đoàn sẽ sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30-9 đến 3-10. Ngày 27-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận chung Đại hội đồng, gặp gỡ Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon và dự hội thảo với lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Mỹ. Ngày 28-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm Thị trường chứng khoán New York, gặp Hội đồng tư vấn cấp cao Việt – Mỹ và các doanh nghiệp hàng đầu. Trước đó, trong hai ngày 25 và 26-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp lãnh đạo các nước thành viên LHQ. Tại Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội kiến tổng thống Pháp vào ngày 1-10 và hội đàm chính thức với thủ tướng Pháp vào ngày 2-10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ thăm và nói chuyện tại Trường ĐH Bách khoa ở Paris, thăm Tập đoàn Airbus tại Toulouse và gặp gỡ 30 chủ tịch tập đoàn hàng đầu tại Pháp. HIẾU TRUNG |
SƠN NGUYỄN
Theo Tuổi trẻ