Kỹ thuật in 3D có thể giúp người khiếm thị tiếp cận nghệ thuật

3Dphotoworks – công ty có trụ sở tại New York (Mỹ) vừa nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời giúp những người khiếm thị có thể “nhìn” các bức tranh, nhờ kỹ thuật in 3D. Đồng phát triển bởi Hiệp hội người mù Hoa Kỳ, quá trình “in 3D xúc giác” được thực hiện lấy cảm hứng từ công trình nghiên cứu về cơ chế thần kinh mềm dẻo của Tiến sĩ Paul Bach-y-Rita, một nhà thần kinh học tại Đại học Wisconsin-Madison.

Theo nghiên cứu của Bach-y-Rita, bộ não con người có khả năng xử lý các thông tin xúc giác thu được từ sự tiếp xúc của ngón tay, tương tự như những gì khả năng “nhìn thấy” mang lại. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là khi một người khiếm thị sờ vào các bức tranh nghệ thuật được in 3D, hình ảnh của nó sẽ hình thành trong não bộ, giống như một người sáng mắt bình thường có thể làm được. Để nâng cao chất lượng trải nghiệm, một số cảm biến được lắp vào bản in nhằm tự động phát âm thanh, cho người mù biết thứ họ đang sờ vào là gì cũng như các thông tin cơ bản về bức tranh.


Kỹ thuật in 3D này sẽ giúp người khiếm thị tiếp cận được với các tác phẩm nghệ thuật.

Hãng 3Dphotoworks cho biết họ đã phải mất 7 năm ròng để nghiên cứu phát triển quy trình in“3D nghệ thuật xúc giác” (3D Tactile Fine Art), và trải qua 2 năm tiếp theo để thử nghiệm với các tình nguyện viên mù hoặc khiếm thị. Nhà sản xuất nói kỹ thuật của họ có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật với kích thước lên đến 1,5 x 3 mét. “Mục tiêu của chúng tôi là làm cho các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới cũng như những tấm ảnh tuyệt vời có thể được tiếp cận bởi người mù, khiến chúng xuất hiện ở mọi bảo tàng, mọi trung tâm khoa học và tất cả cơ quan, đầu tiên là ở Mỹ sau đó vượt ra ngoài”, John Olson – đồng sáng lập 3DPhotoWorks cho biết.

Hiện công ty đang phát động một chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter với mục tiêu đề ra là 500.000 USD, bắt đầu hồi tháng 9 năm nay. Nếu thành công, số tiền góp được sẽ được dùng cho việc chiêu mộ thêm nhân viên và đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất.

 

Theo Tinh Tế