Những lo ngại rằng một số trận động đất nhỏ ở bang Ohio của Mỹ có thể đã hình thành từ nước thải phát sinh trong quá trình sử dụng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy (fracking) đã khiến người ta phải đóng cửa một giếng khai thác dầu, đồng thời đặt ra các câu hỏi về kỹ thuật khai thác dầu và khí đốt này.
Trận động đất mới nhất và mạnh nhất với cường độ 4 độ Richter, xảy ra trong dịp Năm mới gần một giếng dầu do công ty D&L Energy ở Youngstown điều hành tại Đông Bắc Ohio, vốn đã chứng kiến sự bùng nổ các hoạt động khai thác sử dụng kỹ thuật trên.
Giới chức trong ngành cho biết, bang Ohio đã lặng lẽ ngừng các hoạt động ở giếng khai thác Youngstown sử dụng kỹ thuật trên, sau trận động đất mạnh 2,7 độ Richter xảy ra vào ngày 24/12, nhưng rồi tiếp tục mở rộng lệnh ngưng hoạt động ra một khu vực có bán kính rộng 8km quanh giếng này, sau khi một trận động đất mạnh hơn xuất hiện hôm 31/12.
“Trong một biện pháp đề phòng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với chủ sở hữu giếng khai thác và sẽ ngừng việc bơm nước cho tới khi chúng ta có thể xác định nguyên nhân tiềm tàng nào đã dẫn tới các sự kiện địa chấn gần dây”, Giám đốc quản lý nguồn năng lượng tự nhiên của bang, ông James Zehringer nói.
John Armbruster, một chuyên gia địa chất ở Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia, người đã nghiên cứu nhiều về động đất cho biết: “Tôi cho rằng mối liên hệ giữa các sự kiện này là có sức thuyết phục. Trong môi trường ba chiều, trận động đất chỉ cách 1km so với đáy giếng khai thác”.
Sau khi đo đếm 11 trận động đất mới nhất, nhóm nghiên cứu của Armbruster đã khuyến cáo với nhà chức trách bang rằng: “mối liên hệ giữa giếng khai thác và động đất là khá rõ và họ quyết định đóng cửa giếng này, vốn nằm trong trách nhiệm của họ”.
Một phát ngôn viên của Hiệp hội dầu khí Ohio nói rằng việc đình chỉ hoạt động khai thác là đúng đắn cho tới khi người ta đã hiểu rõ vấn đề.
“Chúng tôi cũng tin rằng trong khi chúng ta có thể có những hiện tượng gây nghi vấn tại các giếng khai thác, không có bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa chúng. Nghi vấn này cần phải được làm rõ thông qua các đo đạc khoa học cẩn thận”, Tom Stewart, Phó chủ tịch điều hành của hiệp hội nói.
Ngành công nghiệp dầu khí ở Ohio đã tăng trưởng tốt nhờ sự tập trung một lượng lớn dầu và khí đá phiến ở Ohio, với trữ lượng được cho là lên tới 5,5 tỷ thùng dầu và 15.000 tỷ m3 khí đốt.
Kỹ thuật thủy lực bẻ gãy, còn được gọi là “fracking”, thực tế là việc bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đất đá, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá. Kỹ thuật này được cho là chìa khóa chính giúp người ta khai thác tiềm năng dầu khí kể trên. Phần nước thải trào lên từ những giếng khoan này sau đó sẽ được đổ vào các giếng khoan khác dùng chung kỹ thuật.
Tom Stewart chỉ ra rằng có khoảng 180 giếng khoan dùng kỹ thuật này đang hoạt động ở Ohio và tạo ra tới 7 triệu thùng nước thải mỗi năm và ít khi xuất hiện sự cố gì kể từ khi chúng bắt đầu hoạt động hồi giữa những năm 1980.
“Trong quan điểm của tôi, nếu có một mối liên hệ nào đó thì các hệ thống giếng này hẳn phải chạm tới một điểm bất ổn nào đó dưới lòng đất hoặc thứ gì đó tương tự và tạo nên các rung chấn. Nhưng các giếng này đã hoạt động kể từ những năm 1980 và lý lịch hoạt động của chúng thì tuyệt vời. Nó là phương thức được ưa chuộng để quản lý nước thải”, ông nói.
Giếng dầu Youngstown đi vào hoạt động hồi tháng 12/2010 và ngay sau đó, hồi tháng 3/2011, động đất bắt đầu xuất hiện. Tới cuối năm ngoái, 11 trận động đất đã xảy ra, tất cả hầu như đều xuất phát từ cùng một địa điểm, cùng một độ sâu, với cường độ từ 2,1 – 4 độ Richter.
Chúng không gây ra thương vong và chỉ có một số hư hại nhẹ về tài sản, nhưng động đất đã gây bất ngờ tại một một khu vực có lịch sử rất ít các hoạt động địa chất xảy ra.
Năm ngoái, một loạt trận động đất lớn ở Arkansas đã buộc nhà chức trách ở đây phải ngừng hoạt động ít nhất 2 giếng dầu dùng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy và các nhà khoa học tại Đại học South Methodist đã tìm thấy các mối liên hệ giữa động đất và các giếng dầu dùng kỹ thuật này ở khu vực Fort Worth-Dallas hồi năm 2009.
Theo Vietnam+