Các nhà khoa học Nhật Bản đã tạo ra một giống chuột biến đổi gene đặc biệt, với khả năng hót líu lo như chim.
>>>Chuột tốt bụng và biết thông cảm hơn chúng ta nghĩ
Theo DailyMail, loại chuột này được nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Osaka nhân giống trong khuôn khổ dự án “Chuột tiến hóa”, với hy vọng sẽ hiểu thêm nhiều điều về quá trình tiến hóa của ngôn ngữ.
Giống chuột này không kêu rinh rích như những
con chuột thông thường mà hót líu lo như chim.
“Đột biến, như chúng ta đã biết, là nhân tố định hướng tiến hóa. Chính vì thế, chúng tôi đã lai chéo gene nhiều thế hệ chuột để xem điều gì sẽ xảy ra”, trưởng nhóm nghiên cứu Arikuni Uchimura giải thích.
“Chúng tôi kiểm tra từng con chuột mới sinh một… và một ngày, chúng tôi phát hiện thấy một con có khả năng hót như chim”, Uchimura kể lại. Theo lời Uchimura, con chuột này ra đời hoàn toàn tình cờ, song khả năng “đột biến” này của nó sẽ được di truyền cho các thế hệ chuột tương lai.
“Tôi đã rất bất ngờ, bởi tôi nghĩ là việc lai chéo gene sẽ tạo ra những con chuột có hình hài vật lý khác biệt, chứ không phải là khả năng ca hát”.
“Ngoài con chuột biết hót, dự án Chuột tiến hóa còn tạo được một con chuột với tứ chi ngắn và đuôi dài giống như loài chó chồn”, Uchimura tiết lộ thêm.
Lan tỏa như phương ngữ?
Hiện tại, phòng thí nghiệm của Đại học Osaka đang nuôi khoảng 100 con chuột “biết hót” để phục vụ các nghiên cứu sâu hơn. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có thể tìm thêm các đầu mối về sự tiến hóa của ngôn ngữ loài người, cũng giống như giới khoa học quốc tế vẫn nghiên cứu họa mi để hiểu về nguồn gốc tiếng nói.
“Chuột là đối tượng nghiên cứu ưu việt hơn chim, bởi chúng là động vật có vú và gần gũi với người về cấu trúc não bộ hơn. Các phương diện sinh học cũng gần hơn”, ông Uchimura giải thích. “Chúng tôi đang theo dõi xem một con chuột với “tiếng nói” mới sẽ tác động đến các con chuột bình thường khác ra sao… “.
Những phát hiện ban đầu cho thấy, bầy chuột thường sẽ phát ra ít âm thanh chit chít siêu âm hơn nếu chúng lớn lên cùng chuột biết hót. Điều này có nghĩa là các phương thức giao tiếp có thể lan tỏa trong bầy đàn giống như phương ngữ.
Theo Daily mail, Vietnamnet