Trang phục
Trang phục là thông điệp không lời, giúp bạn chuyển tải thông điệp “bạn là ai”? tới người đối diện, vì thế trang phục là giao tiếp đầu tiên với đối phương trước khi bạn mở lời. Nhận thức đúng tầm quan trọng của trang phục thì bạn sẽ có cách sử dụng nó vào những thời điểm khác nhau sao cho phù hợp. Ví dụ khi đi phỏng vấn xin việc bạn nên mặc đồ công sở lịch sự, trang nhã, khi ra ngoài hẹn đối tác ở một nhà hàng hoặc quán café thì nên lựa chọn những bộ đồ hợp với không gian ngoài trời, phóng khoáng nhưng đảm bảo tiêu chí thanh lịch, hợp với cá tính của bạn.
Sử dụng đồ hiệu đúng lúc, đúng chỗ sẽ khẳng định được đẳng cấp thực sự của bạn trong giao tiếp, khi cần đến những buổi tiệc lớn, gặp những vị khách quan trọng thì bạn nên sử dụng chúng một cách tinh tế, đừng xịt cả chai nước hoa như ướp hương lên người và đeo một đống trang sức nặng nề, trông bạn sẽ giống kiểu người thích khoe của hơn là sành điệu.
Lời nói
“Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, cổ nhân đã đúc kết sức mạnh của ngôn từ như vậy đó. Một giọng nói nhẹ nhàng, tốc độ nói chậm rãi, từ tốn, nghĩ trước khi nói, giọng nói lúc trầm lúc bổng, dễ nghe…một người có “đài từ” tốt như vậy luôn dễ khiến người khác có thiện cảm.
Ngoài lời nói, hãy chú ý đến lời khen. Khen tặng cũng là một nghệ thuật, nếu bạn chưa có kĩ năng để khen ngợi người khác, bạn nên dành nhiều thời gian để học hỏi về vấn đề này. Không phải ai cũng biết cách khen và ai cũng thích nhận lời khen tặng nếu như lời khen đó không khéo léo và xuất phát từ sự chân tình.
Sự ghi nhớ
Đừng bao giờ quên tên người khác nếu như bạn không muốn mất điểm trước họ, nếu họ giới thiệu tên mà bạn chưa rõ, hãy lịch sự và tỏ thái độ cầu thị để hỏi lại cho kĩ, đừng ậm ừ cho qua rồi gọi “chị ấy/anh ấy ơi…” rất mất thiện cảm.
Việc bạn gọi tên người khác đúng luôn khiến họ có cảm giác thân quen hơn là xưng hô “anh/chị…” kiểu xã giao xa cách.
Ngoài tên tuổi, nếu bạn nhớ được sở thích của họ thì bạn đã ghi điểm đến 70% một cuộc trò chuyện rồi đấy! Hãy sử dụng điều này trong cuộc nói chuyện lần sau hoặc lựa chọn những món quà phù hợp với sở thích của họ, “của cho không bằng cách cho”, không gì vui hơn việc nhận được một món quà hợp ý họ, điều đó chứng tỏ bạn rất tinh tế và biết cách quan tâm đến người khác.
Lắng nghe
Lần đầu giao tiếp với người lạ, hãy nói ít thôi và lắng nghe thật nhiều, đó là từ khóa để người khác thích bạn. Lắng nghe cũng cần phải học, không nên quá chăm chăm vào họ khiến họ có cảm giác như một cuộc thẩm vấn chứ không phải cuộc giao tiếp, hãy mỉm cười chừng mực nếu câu chuyện đó vui, gật đầu nhẹ để người đối diện họ biết bạn đang chú ý đến câu chuyện bạn nói, sử dụng ngôn ngữ cơ thể linh hoạt: ánh mắt – những cái nhún vai, mắt – miệng… để biểu hiện sự đồng tình…
Tất cả những điều này bạn cần học, hãy tìm đọc những cuốn sách về kĩ năng giao tiếp và xem nhiều bộ phim liên quan đến vấn đề này, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ những “người bạn” đó đấy!
Điều quan trọng nhất: Tư duy của bạn!
Tất cả mọi điều trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu như bạn có lỗ hổng trong tư duy. Hãy củng cố, bồi dưỡng cho mình thêm nhiều kiến thức nền để bạn có một lập trường tư duy vững chắc, đó chính là yếu tố quan trọng để tạo nên sự tự tin và phong thái riêng của bạn. Khi bạn đã có tư duy tốt, thì tất cả các mẹo trên đều có thể học hỏi một cách tự nhiên và dễ dàng.
Phượng Ớt
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.