Thời tiết giao mùa, cả người lớn lẫn trẻ em đều dễ bị mắc phải các bệnh về đường hô hấp. Theo thói quen, nhiều người cứ thấy mũi có biểu hiện bất thường là tự ý đi mua ngay thuốc nhỏ mũi về dùng mà không biết mình có sử dụng đúng loại hay không. Tùy tiện sử dụng thuốc nhỏ mũi như vậy đã dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng tới sức khỏe.
Mối nguy từ thuốc nhỏ mũi có thành phần corticosteroid
Nhiều trường hợp bị bệnh viêm xoang, hoặc viêm mũi… cũng dẫn đến tình trạng nghẹt mũi. Như anh Mạnh Hà (35 tuổi – Đông Anh) bị xoang nặng, cứ thời tiết thay đổi là anh lúc nào anh cũng như người đang bị mắc bệnh cảm cúm vậy. Được mách thuốc nhỏ mũi có thành phần corticosteroid có tác dụng chữa nghẹt mũi rất tốt nên anh cũng ra hiệu thuốc hỏi mua.
Nhưng khi mua anh lại không hỏi kỹ, nên khi dùng được 5 ngày mà vẫn không có tác dụng nhiều anh tự ý tiếp tục nhỏ thêm nhiều ngày khác cho đến khi triệu chứng biến mất. Việc làm tưởng chừng vô thưởng vô phạt này lại là cách chữa trị sai hoàn toàn. Bởi loại thuốc này có thành phần corticosteroid không có tác dụng ngay sau khi sử dụng mà phải đợi từ 3 – 5 ngày mới hiệu quả. “Tôi dùng mãi chẳng thấy đỡ, nên cứ thế nhỏ đến khi khỏi mới thôi” – Đó là lời tâm sự của anh Hà.
Vì sử dụng thuốc này trong thời gian dài nên anh Hà đã bị một số ảnh hưởng nhất định như mũi lúc nào cũng có cảm giác khô rát, thậm chí còn bị chảy máu mũi, dùng lâu có thể bị nấm họng.
Phì đại cuốn mũi vì lạm dụng thuốc co mạch
Sức đề kháng của trẻ còn non nớt, hệ hô hấp còn yếu nên trẻ thường mắc các bệnh về đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa. Mấy ngày gần đây, bé Hoài An – con gái chị Thu Hương (Hà Đông) bị cảm cúm, tắc mũi, khó thở, nhất là vào ban đêm. Được chị hàng xóm cho mẫu hộp thuốc chị đã dùng cho con gái, chị Hương liền tức tốc đi mua về nhỏ cho con. Chị kể: “Tôi cứ đưa mẫu hộp ra hiệu thuốc và bảo họ bán cho. Mỗi lần dùng tôi thấy con đỡ hẳn nên cứ lần nào con ngạt mũi là mua dùng thôi”.
Cái cảm giác dễ chịu sau khi dùng thuốc, đó chỉ là cảm giác giả mà người bệnh cảm nhận được. Vì khi sử dụng loại thuốc co mạch này sẽ có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và giảm xung huyết khi nhỏ thuốc vào niêm mạc. Thuốc có tác dụng nhanh chóng và giúp mũi thông thoáng được trong vòng từ 2- 6 giờ. Sau đó hiện tượng ngạt mũi trở lại ở mức độ nhất định nếu tình trạng bệnh chưa thuyên giảm. Tự ý dùng thuốc mà không biết thành phần, tác dụng cụ thể của loại thuốc đó ra sao là điều vô cùng nguy hiểm đặc biệt với trẻ nhỏ.
Những ngày con gái bị cúm nên ngạt mũi đã đành, đằng này không ốm sốt, cảm cúm gì mà cháu vẫn bị tắc mũi thường xuyên. Lo lắng với tình trạng của con, chị Hương cho con đi khám và được bác sĩ kết luận cháu nghẹt mũi là do bị phì đại cuốn mũi vì lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch. Sử dụng thuốc này trong thời gian dài sẽ làm mất tính đàn hồi của niêm mạc mũi, gây phì đại cuốn mũi. Vậy nên cần hạn chế sử dụng thuốc này một cách tùy tiện.
Nên sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%)
Đối với trẻ nhỏ hạn chế sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi có tính co mạch hoặc có chứa thành phần corticosteroid hoặc kháng sinh. Dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để nhỏ, rửa mũi hàng ngày là cách phòng bệnh tốt nhất. Nước muối sinh lý này có tác dụng làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi và chống khô mũi. Các dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi thông qua việc xì mũi, hắt hơi hoặc hút rửa mũi.
Lưu ý khi rửa mũi cho trẻ không được bơm nước quá mạnh để làm nước chảy xuống họng vừa gây sặc ở trẻ nhỏ lại vừa có khả năng bị vi khuẩn xâm nhập từ mũi xuống họng. Nước muối sinh lý có thể dùng lâu dài, không gây hại đến sức khỏe. Còn khi trẻ đã có biểu hiện của bệnh lý thì cha mẹ nên cho con đi khám ở chuyên khoa nhi hoặc tai mũi họng để bác sĩ điều trị đúng cách mới có kết quả.
Vậy khi thấy các biểu hiện bất thường về mũi, bạn cần đi khám để có lời khuyên của bác sĩ về cách điều trị cho đúng. Tránh trường hợp sử dụng thuốc nhỏ mũi một cách không hiểu biết, sử dụng không đúng loại đúng bệnh, không đúng thời gian quy định, gây hậu quả về lâu dài.
Hạnh Vân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.