Kết quả nghiên cứu đất trồng lúa ở 5 tỉnh ĐBSH là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình của các nhà khoa học Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội cho thấy, mỗi ngày, các ruộng lúa nước phát thải một lượng khí metan (CH4) khá cao góp phần làm trái đất nóng lên.
Nông dân đang lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu.
Ảnh chụp tại Mê Linh- Hà Nội (Ảnh: Minh Cường)
Theo đó, tốc độ phát thải khí metan của đất lúa trung bình tại 5 tỉnh là 52mg CH4/m2/giờ, tương đương hơn 1.200 CH4/m2 /ngày.
Nam Định là tỉnh có tốc độ phát thải khí metan cao nhất, gần 1.500mg CH4/m2/ngày PGS.TS Nguyễn Hữu Thành cho biết, lượng phát thải khí metan trong vụ mùa thường lớn hơn so với vụ xuân do tình trạng ngập nước thường xuyên. Khi ngập nước, các chất hữu cơ được phân giải trong điều kiện yếm khí sẽ sinh ra CH4, CO2, H2S… ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa và phát thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính.
Việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch và sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học làm gia tăng tình trạng phát thải khí metan. Trong tự nhiên có hai nguồn sản sinh khí metan chính là khu vực đầm lầy và trên các ruộng lúa nước.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy, lượng phân hữu cơ người dân bón cho lúa rất thấp chỉ khoảng 0,5-1 tấn/ha, thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của các trung tâm khuyến nông các tỉnh (từ 8-10 tấn/ha). Nhiều nơi, người nông dân thậm chí không sử dụng phân hữu cơ trong khi lại sử dụng quá nhiều phân bón hóa học.
Theo Đất Việt