Vô tình, tôi đọc được tâm sự của một người mẹ nói rằng, chị đã bị sốc, bị giật mình khi kết bạn và “vào thăm” facebook con mình. Chị kể, ở đó toàn những lời tục tĩu, toàn những “vai phản diện”, những quan điểm chả giống ai trên đời. Trong khi ở nhà con bé rất hiền lành, dễ chịu, thế nên chị càng sốc, càng hoang mang và phân vân khủng khiếp. Chị không biết nên cư xử như thế nào với con…
Có người bảo chị, cứ cấm luôn nó dùng điện thoại đi, cứ cách ly nó khỏi internet đi, bao giờ hết phổ thông, đỗ đại học rồi tính tiếp. Lại có người khuyên, cứ lên thẳng facebook của con mà chấn chỉnh, nhắc nhở trực tiếp xem con chị có biết sợ không! Riêng tôi, tôi không đồng ý với hai cách ấy. Bởi ta càng cấm đoán, càng cách ly,… thì chỉ càng làm cho đứa con chị thèm thuồng và tìm mọi cách để vào facebook được thôi. Nhất là khi internet phổ biến như hiện nay thì việc nói dối, trốn bố mẹ để tiếp cận cũng không hề khó. Còn việc “nhảy” vào facebook của con mà tranh luận thì chỉ là một cách đẩy con ra xa với bố mẹ hơn, con sẵn sàng chặn bố mẹ ngay, hoặc lập facebook khác!
Tôi cho là, chuyện này xảy ra là bởi có thể con gái chị muốn được gây chú ý. Nó cố tỏ ra không phải nó “chậm tiến”, nó “đụi” hơn các bạn. Sâu xa, đằng sau cái vẻ hiền lành của con bé khi ở nhà, là một vị thành niên ưa cái mới và ham chứng tỏ năng lực của mình. Điều ấy, thật ra không xấu! Cũng có thể, do bố mẹ đã sống quá truyền thống, và cô con gái ấy cảm thấy không thể chia sẻ được. Nên chọn cách đóng một vai khác trên facebook, chọn cách mang một “khuôn mặt” khác! Ở cái nơi không dễ dàng lộ diện đời sống thực.
Nếu là tôi, thì tôi chọn cách cho con mình khoảng lặng. Nghĩa là coi như không biết những gì con vẫn post lên facebook hàng ngày, mà tập trung giải tỏa con bằng chính cách sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày. Nếu con có những ước mơ như được đi bơi, đi chơi… thì cứ tế nhị và tùy theo điều kiện mà giúp con thực hiện những mong muốn của mình. Đôi khi cũng vì ta đã quá khắt khe nên bỏ qua những ước mơ chính đáng của con.
Còn những điều có vẻ trái với luân thường đạo lý, có vẻ đi ngược với quan niệm đạo đức lành mạnh của xã hội, hay những lời chửi tục, theo tôi, nó không tốt nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra! Bất kỳ một thanh niên mới lớn nào cũng có thể mắc vào những suy nghĩ đó. Nó đến từ mong muốn về tiền bạc, đến từ sự chán ghét lối sống “đóng hộp”, cứng nhắc, đến từ cảm giác ưa hưởng thụ… Cha mẹ thì nên tìm cách gỡ bỏ giúp con, để con thoát ra khỏi những vướng mắc ấy mà trở về với lối tư duy lành mạnh tự nhiên. Nhưng phải “gỡ bỏ” theo cách tế nhị, kín đáo nhất có thể. Ta không thể trực tiếp nói với con rằng “nghĩ như thế là sai”. Bởi lẽ phải có một điều gì ở hiện thực, ở cuộc sống gia đình, ở đâu đó khiến con chán ghét, khó chịu,… mới khiến con nghĩ đến một đời sống khác với cách vận hành của những gì đang có.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.