Làm giàu từ phế liệu giấy

Công ty Flexoresearch đã chế tạo thành công một loạt dung dịch enzyme tổng hợp, được chiết xuất từ nấm, có thể biến giấy phế liệu, thành những sản phẩm hữu ích.

Tại một phòng thí nghiệm nhỏ ở ngoại ô thủ đô Bangkok, Tổng Giám đốc của Flexoresearch, Paijit Sangchai, đã bỏ cuộn giấy phế liệu vào chiếc lọ đựng dung dịch màu xám. Sau đó, anh đem miếng giấy đã thấm dung dịch rửa sạch dưới vòi nước. Chỉ ít phút sau, như một phép màu nhiệm, cuộn giấy biến thành chất dẻo. Paijit Sangchai cho biết, đầu tiên, một loại enzyme tấn công vào bề mặt có phủ chất chống nước của giấy và sau đó thấm vào các lớp giấy bên trong. Cuối cùng, tùy theo từng loại enzyme sử dụng, các miếng cuộn giấy này có thể sản sinh ra nhiều sản phẩm mới làm nguyên liệu cho việc sản xuất giấy hoặc tạo ra vật liệu xây dựng có thể thay thế amiăng. Không chỉ vậy, công nghệ này còn có thể tạo ra chất dẻo sạch để làm ra nhiều sản phẩm mới.

Chính việc tạo ra vật liệu xây dựng mới này đã giúp Flexoresearch được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh là một trong 31 công ty tiên phong về công nghệ. Trong khi đó, tạp chí “Time” cũng bình chọn Flexoresearch là 1 trong số 10 công ty có khả năng làm thay đổi cuộc sống của con người. Đây là một vinh dự lớn đối với Thái Lan nói chung và Flexoresearch nói riêng bởi rất ít khi một doanh nghiệp ở “chú lùn công nghệ” như Thái Lan lại giành được sự tôn vinh của cộng đồng quốc tế.

Về lý do khiến anh nghĩ ra sáng kiến trên, Paijit Sangchai cho biết tại những nước đang phát triển như Thái Lan, giấy cuộn thường bị vứt bỏ và hầu hết người dân đều thiêu hủy chúng, khiến một lượng lớn khói độc thải ra môi trường, gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe con người. Trong khi đó, ở những nước phát triển các loại giấy cuộn cũng chỉ được coi là phế liệu và chưa có ai quan tâm đến nguồn nguyên liệu khổng lồ này. Vì vậy, khi nhìn thấy một lượng lớn giấy cuộn bị thải ra và thiêu hủy tại tất cả các nước trên thế giới, Paijit đã nghĩ rằng đây là sẽ một thị trường lớn và anh bắt tay vào nghiên cứu để tái sinh chúng thành những vật liệu có ích.

Quả thật kể từ khi được WEF vinh danh là công ty tiên phong về công nghệ, Paijit đã nhận được hàng nghìn thư điện tử, chủ yếu đến từ các nước tư bản, mong muốn hợp tác và đầu tư với công ty của anh. Tuy nhiên, Paijit khẳng định anh không quan tâm đến việc huy động thêm tiền cũng như bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư, anh chỉ quan tâm đến việc tìm các đối tác mong muốn cấp phép cho công nghệ này tại nước họ. Hiện nay, công nghệ của anh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước trong đó có Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, người sáng lập ra công ty Flexoresearch còn nhấn mạnh mong muốn hợp tác với tất cả mọi người trên thế giới nhằm bảo vệ môi trường.

 

Theo Ý Tưởng