Làm mẹ, đừng “đi lùi” để trở nên lạc hậu

Lo lắng về việc dành dụm quá nhiều

Một chị bạn đã nói với tôi rằng, lý do chị không dám nhận đứa trẻ bị người ta bỏ rơi ở ngay đầu ngõ về nuôi không phải vì chị quá nghèo, cũng không phải vì chị đã có đủ 2 con. Chị chỉ sợ rằng, nếu làm mẹ nuôi dạy thì không khó, nhưng sau này gây dựng cho con thì chị e là quá sức mình…

Cách đây vài tháng, khi đi tập thể dục sáng sớm, chính chị là người đã phát hiện ra đứa bé ấy, nó rất xinh và rất ngoan. Chị dành cả tuần liền, mất ăn mất ngủ để chăm sóc đứa trẻ ấy trong lúc chưa có người nhận nuôi, lại tá hỏa lo lắng cho sức khỏe của bé cho đến khi có đầy đủ kết quả xét nghiệm, kiểm tra cần thiết trong bệnh viện. Cầm trên tay giấy chứng nhận sức khỏe rằng đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh, chị mới yên lòng. Trong những ngày vất vả ấy, hơn một lần chị áp đứa trẻ thơ vào ngực, nghĩ đến chuyện nhận nuôi nó… vậy mà vẫn không làm được. Lý do chỉ vì chị sợ không “gây dựng” được cho con.

Tôi ngạc nhiên, “gây dựng” là gì? Chị bảo, là phải để dành cho con một hợp đồng bảo hiểm này, có thể còn phải mua cho con một ngôi nhà nhỏ, đợi sau này có chồng/vợ sẽ giao chìa khóa, giống như hai đứa trẻ mà chị sinh ra nữa. Rồi có thể con sẽ đi du học, chẳng lẽ con thi đỗ khóa học ở nước ngoài mà bố mẹ lại không cho đi chỉ vì thiếu tiền? Thôi, đành để cho nhà chùa nhận nuôi, hi vọng về sau em bé có một gia đình tốt(!?).

Ngày chị đưa đứa trẻ đến chùa và giao vào tay sư thầy, chị khóc như mưa. Tôi động viên chị, nếu đã thật sự yêu thương bé như vậy thì cứ mạnh dạn nuôi con đi vậy, đừng suy nghĩ quá nhiều. Sau này con lớn, chỉ cần có đạo đức và kiến thức là đủ để con tự lập rồi, không ai cho con được số tài sản đủ cho cả cuộc đời nó cả, nên tốt nhất là đừng quá lo dành dụm. Nhưng chị bảo, tôi nói thế là “liều lĩnh”, và chị không đành!

Tôi không biết mình có liều lĩnh thật không. Nhưng có lẽ những điều chị suy tính về hợp đồng bảo hiểm, về ngôi nhà làm quà tặng, về những thứ tài sản này kia,… nghe nó xa xỉ quá. Tôi đã lớn lên trong một gia đình nghèo, bố mẹ chẳng có gì dành dụm cho tôi, nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn hàng trăm lần mong muốn được đầu thai vào ngôi nhà nghèo khó của bố mẹ mình, vì ở đó có tình yêu thương vô bờ bến. Tình yêu và sự bình yên ấy là nguồn động lực cho tôi vươn lên mãi mãi sau này. Sự suy tính, dành dụm quá nhiều đôi khi khiến chúng ta trở nên căng thẳng với những điều mang giá trị vật chất mà quên sự niềm vui trong ngôi nhà mình.

Quá coi trọng kết quả học ở trường của con

Tôi là một cô giáo, tôi dạy học hàng ngày nhưng thật sự, tôi có suy nghĩ rằng việc học ở trường chỉ là một phần rất nhỏ. Đồng ý là bọn trẻ cần phải đến trường và cố gắng cho điều ấy. Nhưng, ngay cả khi bọn trẻ không hứng thú với việc học, kết quả không cao như sự kỳ vọng của phụ huynh,… thì cũng chẳng có gì chứng minh sau này đứa bé ấy sẽ trở nên vô dụng. Trái lại, đa số bọn trẻ thông minh thường có kết quả học tập không cao, lại hay mắc lỗi bởi chúng có cách tư duy nhanh nhạy khác thường. Đó hoàn toàn là sự thật. Tôi tuyệt đối không coi thường việc học, nhưng một kết quả trung bình khá vẫn xứng đáng để chúc mừng nếu đứa trẻ vui với việc đến trường và luôn suy nghĩ tích cực, trong sáng trong cuộc sống.

Làm mẹ, đừng 'đi lùi' để trở nên lạc hậu

Việc học ở trường thật ra chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình học hỏi vươn lên. Học hỏi là điều ai cũng cần phải có, và đứa trẻ nào cũng vậy, luôn tiềm ẩn sẵn trong bản năng làm người nỗi khát thèm học hỏi, được bắt chước, được biết, được làm theo, được hiểu… Có điều, chúng lựa chọn tùy từng vấn đề để quan tâm và học hỏi khác nhau. Chúng ghét 12 môn học “dàn đều” trong sách chứng tỏ chúng hoàn toàn ổn, bởi nhận thức của con người, chẳng bao giờ “chia ngăn” cứng nhắc như vậy hết; sẽ có điều yêu, điều ghét, sẽ có lúc cảm nhận thích môn này và khi khác thích môn kia.

Tôi còn nhớ, mẹ tôi đã từng khóc và đánh tôi no đòn khi cô giáo chê tôi “chẳng bao giờ tập trung trong giờ học, khuôn mặt luôn ngơ ngác như ngớ ngẩn”. Hồi ấy, ở trường làng, nền nếp giáo dục cũ còn phổ biến, việc cô giáo chê bai con mình là một nỗi xấu hổ lớn của các bà mẹ. Và cô giáo chê gì cũng không cần phải cân nhắc lời ăn tiếng nói bởi phụ huynh rất coi trọng các cô. Điều tôi thấy khó hiểu là đã 20 năm trôi qua kể từ cái thời lạc hậu ấy rồi, mà rất nhiều phụ huynh vẫn mắng nhiếc con cái rất nặng lời khi cô giáo phản ảnh con không cố gắng học ở trường hoặc kết quả điểm số không cao.

Điều quan trọng hơn, tôi nghĩ là cần phải biết con mình tốt hay xấu, con vô tư hồn nhiên hay toan tính nhỏ nhen? Con lười học vì phẩm chất con hay vì chương trình học quá nặng nề? Và ngoài việc học, nếu kết quả chỉ ở mức trung bình nhưng con biết yêu cuộc sống và sẵn sàng học hỏi những điều nhỏ bé nhất từ thế giới, theo cách không thành kiến, thì tôi nghĩ, đó là một điều may mắn lớn!

Xem thêm

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Cách tắm cho trẻ sơ sinh

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.