Tình trạng nguồn nước của nhiều hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng có thể được giải quyết bằng công nghệ của CHLB Đức.
Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án hợp tác giữa Bộ KH-CN với Bộ Giáo dục và nghiên cứu (CHLB Đức). Các nhà khoa học hy vọng tình trạng ô nhiễm của các hồ ở Hà Nội sẽ được khắc phục.
Hút bùn êm thấm
Công nghệ này gồm hút bùn, ép tách nước từ bùn, xử lý nước tách từ bùn. Tác giả của công nghệ là GS.TS Peter Werner, Trường Đại học Công nghệ Dresden (Đức). So với một số phương pháp xử lý hút bùn trước đây, ưu điểm công nghệ hút bùn này không cần phải hút bỏ nước của hồ. Chỉ việc cắm trực tiếp mày hút xuống đáy lòng hồ và hút bỏ bùn theo từng lớp. Việc hút bùn sẽ được thực hiện theo từng vùng nhỏ. Sau đó sẽ chuyển sang khu vực khác. Với cách làm này, theo GS.TS Peter Werner, sẽ hạn chế làm xáo động các vi sinh vật ở dưới đáy hồ.
Các chuyên gia kiểm tra hệ thống tách bùn bằng băng tải. Ảnh: PV |
Hỗn hợp bùn sau khi hút lên được cho qua máy ép để tách nước. Nước tách ra được xử lý trước khi trả lại hồ, còn bùn được ép thành dạng bánh, thuận tiện cho vận chuyển tới nơi xử lý. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát cấu trúc tầng bùn đáy của hồ, các nhà khoa học Đức có thể đánh giá được thể tích và sự phân bổ tầng bùn để quyết định tiến trình hút bỏ bùn. Đầu tháng 6/2009, công nghệ đã được trình diễn làm sạch nước tại ao cá Bác Hồ và đem lại hiệu quả cao.
Chứng kiến quá trình vận hành của hệ thống dây chuyền công nghệ, GS.TS Đặng Đình Kim, Phó viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện KH-CN Việt Nam), cho biết việc vận hành hệ thống khá an toàn với hệ sinh thái trong ao, hồ do thiết bị không gây tiếng ồn, bùn không bị khuấy lên nhiều, dưỡng khí trong nước không bị ảnh hưởng nhiều.
PGS.TS Hà Đình Đức, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng đây là một hệ thống hoàn chỉnh để xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội.
Việc áp dụng công nghệ xử lý bùn lòng hồ của Đức cho phép các nhà khoa học nghĩ đến tín hiệu khả quan hơn đối với tình trạng ô nhiễm nước hồ Hà Nội.
Làm sạch nước ở ao cá Bác Hồ. Ảnh: PV |
Xử lý nước hồ Hoàn Kiếm
Tuy nhiên, việc nạo hút bùn và làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm lại không hề đơn giản. Bởi nước thải và bùn cát do mưa cuốn đổ vào hồ đã làm lớp bùn lắng đọng hàng trăm năm của hồ Hoàn Kiếm ngày một dày, cản trở việc lưu thông nước hồ với các nguồn nước ngầm. Có thể nói, hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một ao tù với mực nước ngày một cạn. Đặc biệt nguy cấp là mùa khô năm 2004, nhiều khu vực hồ cạn trơ đáy, buộc Công ty thoát nước Hà Nội phải bổ sung nước vào hồ nhằm bảo vệ hệ sinh thái. Theo PGS.TS Hà Đình Đức, hiện chỗ sâu nhất của hồ Hoàn Kiếm cũng chỉ vào khoảng 1,1m.
Tuy nhiên, trong tất cả các hồ ở Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm lại có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt lịch sử, cảnh quan và tâm linh. Hai đặc điểm nổi bật của hồ là màu xanh đặc thù do các loài tảo đặc hữu và sự tồn tại hàng trăm năm của giống rùa quý khổng lồ. Vì vậy, việc nghiên cứu xử lý bền vững hồ Hoàn Kiếm phải đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của hệ sinh thái trong hồ, không gây nguy hiểm đến loài rùa quý khổng lồ và bảo tồn được màu xanh đặc trưng của hồ do hệ vi tảo sống trong hồ.
Những điều này cũng là trăn trở từ lâu của GS.TS Peter Werner. Tuy nhiên, như ông cho biết, ông từng tới Việt Nam 20 lần trong nhiều dự án giúp Việt Nam xử lý môi trường nước. Ông cũng nhiều lần dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, được nghe kể nhiều lần về sự tích về rùa quý khổng lồ. Vì vậy, ông nảy ra ý tưởng dùng công nghệ hiện đại để bảo tồn dòng lục thủy ngàn năm đang ô nhiễm và cạn kiệt này. Ý tưởng đã phát triển thành một dự án được giới khoa học Việt Nam đánh giá là quy mô và phù hợp nhất từ trước tới nay liên quan đến việc bảo tồn hồ Hoàn Kiếm và loài rùa.
Theo Báo Đất Việt