Tận dụng những loại cây phổ biến ở ĐBSCL như cây rau dừa để xử lý nước thải chăn nuôi; dùng mủ (nhựa) của cây chuối để đo nồng độ phèn và sắt trong nước sinh hoạt là những phát hiện mới mẻ và hết sức thú vị.
Đây cũng là những đề tài vừa đoạt giải nhì và ba giải thưởng cuộc thi Phát minh xanh do Công ty Sony tổ chức…
Cây rau dừa lọc nước thải
Nhóm “thuốc thử thời đại xanh” (từ trái sang): Đức Thuận, Mỹ Loan, Tuấn Vũ, Trường Thọ |
Dùng thử cây rau dừa để lọc nước thải xem thế nào là điều Vũ Thụy Quang, chàng sinh viên ngành môi trường nông nghiệp ĐH Cần Thơ, nghĩ đến khi học lý thuyết về khả năng xử lý của thực vật thủy sinh.
Cùng với bèo Nhật Bản, rau dừa nước (còn gọi là cây thủy long) sống rất nhiều ở ao hồ đầm lầy vùng ĐBSCL. Trong chuyến đi thực tập ở ấp Bình An, Thanh Lợi, Châu Phú (An Giang) chứng kiến cảnh nước thải chăn nuôi của vùng này không thoát ra được sông ngòi, ứ đọng ở các ao hồ gây mùi hôi, Quang cùng với người bạn cùng khóa Nguyễn Minh Thư bắt tay luôn vào làm thí nghiệm.
Hai tháng trời quần quật với việc trồng thử nghiệm, quan sát, phân tích mẫu nước, Quang không nhớ rõ số lần lội xuống ao để lấy nước thải. “Mới đầu cũng thấy ghê ghê, lại được bạn bè hứa sẽ tặng vài ký Omo để tẩy bớt mùi nhưng rồi cũng quen dần” – Quang cười, nói.
Những ngày ròng rã làm thí nghiệm cuối cùng đã cho kết quả rất khả quan. Cây rau dừa có sự tăng trưởng mạnh khi sống trong nước thải đậm đặc, thân, lá và màu sắc của cây có màu xanh đậm hơn so với cây trồng trong nước sạch.
Các kết quả phân tích cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm cũng giảm rõ rệt. Khi trồng thí điểm trên những ao nuôi, bộ rễ của loại cây này tạo giá bám cho vi khuẩn phát triển, lọc và hấp thu các loại chất thải rắn, giảm hiện tượng tảo nở hoa trên các ao nước thải.
Quang cho biết sau cây rau dừa, bạn đang ấp ủ đề tài lọc nước và ủ phân compost cho từng hộ riêng lẻ.
Dùng mủ chuối đo phèn, sắt trong nước
Trong một lần ngồi rửa trái chuối xanh, Tuấn Vũ chợt thấy nước giếng ngả sang màu hơi đỏ. Muốn hiểu chất gì có trong nước giếng đã phản ứng màu với mủ chuối, Vũ đem mẫu nước về phòng thí nghiệm để phân tích. Loay hoay cả buổi, cuối cùng Vũ phát hiện mủ chuối có chất chát, nếu nước chứa nhiều sắt sẽ có phản ứng đổi màu.
Trước phát hiện này, Vũ cùng với nhóm bạn: Mỹ Loan, Đức Thuận, Trường Thọ – sinh viên khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ – hăm hở bắt tay vào làm thí nghiệm. Các kết quả sau mỗi lần dùng mủ chuối để thử nước ngầm lấy từ giếng cho thấy sắt và mủ chuối có phản ứng màu rất đặc trưng. Nước bị nhiễm phèn, sắt càng cao thì khi thử màu nước càng ngả sang màu đỏ đậm. Để chắc chắn về hiệu quả của loại “thuốc thử”, nhóm đã đi lấy nước và làm thí nghiệm khoảng 30 vị trí, không chỉ ở Cần Thơ mà còn thêm một số huyện ở Hậu Giang.
Từ các kết quả của hàng chục lần thí nghiệm, nhóm đã đưa ra được bảng màu gồm năm mức độ khác nhau, tương ứng với độ đậm dần của màu là mức độ nhiễm sắt của nước. Trên cơ sở này có thể phân loại nước theo từng mức độ: nước có thể dùng để ăn uống và sinh hoạt; nước chỉ dùng cho chăn nuôi, trồng trọt; nước bị nhiễm bẩn nhưng vẫn có thể dùng để rửa chuồng trại và nước có độc chất cao.
Tuấn Vũ nói chuối là cây rất phổ biến ở ĐBSCL, nhà nào cũng trồng loại cây này, cách thử cũng rất đơn giản. Chỉ cần lấy ít nước vào nắp nhựa trắng và chặt bẹ chuối rồi nhỏ vào những giọt mủ, nếu nước ngả màu đậm thì biết nước sẽ nhiễm phèn. Cách làm này hầu như không tốn kém và có thể nhận biết kết quả ngay. Trên cơ sở nhận biết được nguồn nước có đủ tiêu chuẩn hay không, người dùng sẽ có cách sử dụng nước hoặc có cách lọc, làm sạch nước trước khi dùng.
Thu Thảo
Theo Tuổi trẻ Online