Khi chuẩn bị kết hôn, nghĩa là bạn sẽ phải rời bỏ cuộc sống độc thân, tự do thoải mái để đi vào “gông cùm” của những trách nhiệm và nghĩa vụ. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho mình tinh thần để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống gia đình. Để không có sóng gió trong đời sống vợ chồng, hãy chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những vấn đề của hôn nhân sau:
-
1
Tình cảm với người cũ
Chắc chắn, trước khi kết hôn, cả hai đều có những tình cảm với người xưa. Có thể giờ là bạn bè, hoặc không là gì hết, nhưng hãy cho bạn đời biết điều đó (tất nhiên không cân chi tiết quá).
Chỉ cần hai bạn thống nhất: quá khứ là quá khứ, không nên để nó sống dậy trong đời sống vợ chồng là có thể tin tưởng và yên tâm về nhau.
-
2
Sở thích
Đừng vì hôn nhân mà bỏ đi các sở thích, đam mê của riêng mình, nhưng cũng không vì quá say mê chúng mà khiến bạn đời cảm thấy bị bỏ rơi.
Cách tốt nhất hãy chia sẻ sự say mê với bạn đời của bạn để cả hai có những niềm vui và sự hứng thú mới.
-
3
Bạn bè
Cả hai đều có bạn bè riêng và bạn bè chung, nhưng cách đối xử với bạn bè của cả hai cũng là một vấn đề cần cân nhắc.
Nếu người vợ không thích những ông bạn nhậu của chồng và ngược lại ông xã không ưa các bà bạn giỏi “buôn chuyện” của các chị em, thì nên góp ý và trao đổi thẳng thắn để cả hai hiểu rõ hơn về những người bạn của bạn đời mình.
-
4
Công việc
Đây cũng là một điều ảnh hưởng khá lớn đến đời sống vợ chồng. Ngoài hôn nhân, cả hai đều có nhu cầu khẳng định mình với xã hội, vì thế, công việc và các mối quan hệ xã hội có vai trò khá lớn.
Hãy thống nhất trên nguyên tắc tôn trọng công việc và các mối quan hệ của nhau để cùng cảm thấy thoải mái và có động lực phấn đấu.
-
5
Tài chính
Đây là vấn đề “sống còn” của mỗi gia đình. Việc người nào kiếm tiền chính, người nào quản lý, việc chi tiêu, mua sắm… cần được nói chuyện cởi mở trước khi kết hôn để mỗi người biết được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nhằm tránh những mâu thuẫn không đáng có về tiền bạc. Cách tốt nhất, các bạn nên có quan điểm, chi tiêu gì dù nhỏ cũng nên thỏa thuận và cho nhau biết để tránh những nghi kị.
-
6
Trách nhiệm với gia đình hai bên
Khi yêu, hai bạn không cần biết đến họ hàng, người thân, nhưng kết hôn thì khác.
Vì vậy, hãy thống nhất việc đối xử và trách nhiệm với gia đình hai bên để không ai có thể chê trách được gì về các bạn.
-
7
Con cái
Con cái là một vấn đề đau đầu với các cặp vợ chồng. Vì vậy, hãy lựa chọn giai đoạn thích hợp khi cả hai cùng khỏe mạnh về thể chất và ổn định về công việc, sự nghiệp để tạo ra kết quả cho tình yêu của hai bạn.
Tiếp đó, cần bàn luận về cách nuôi dạy và giáo dục con cái. Điều này cần sự thống nhất cao bởi nếu không đồng quan điểm trong dạy dỗ con cái có thể khiến cả hai bạn xích mích và ảnh hưởng tới tâm sinh lý của con.
-
8
Sự giận dỗi
Chắc chắn, cuộc sống không thể tránh khỏi xích mích, vấn đề là các bạn giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào? Người vợ sẽ la lớn khi có việc không hài lòng, còn chồng sẽ bỏ đến công ty ngủ vài ngày? Điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Cách tốt nhất là hãy thống nhất nguyên tắc khi giận dỗi cần ngồi nghiêm túc nói chuyện nhẹ nhàng và giải quyết ổn thỏa trong ngày. Đừng để giận dỗi quá lâu sẽ phá hỏng tình cảm của hai bạn.
-
9
Công việc gia đình
Cuộc sống hàng ngày sẽ khiến các bạn có lúc cãi vã nhau vì những điều nhỏ nhặt: Chàng ngồi xem ti vi trong khi bạn nấu nướng và dọn dẹp, bạn tắm rửa cho con còn chàng thì ngồi làm việc… Nếu không khéo léo thì chỉ vì những mâu thuẫn đó mà khiến hôn nhân của các bạn rạn nứt.
Hãy thống nhất quan điểm chia sẻ công việc trong nhà để cả hai cùng cảm thấy thoải mái.
-
10
Tình dục
Đây là một điều không thể thiếu trong đời sống hôn nhân. Dù các bạn rất yêu và ham muốn nhau nhưng thời gian sống bên nhau chắc chắn sẽ gặp phải những rắc rối không thể tránh khỏi như: mệt mỏi, căng thẳng, rối loạn tâm sinh lý khiến đôi khi một trong hai không có ham muốn “chuyện ấy”.
Hãy tìm hiểu nhu cầu đời sống tình dục của bạn đời, hiểu và thông cảm với những gì bạn đời gặp phải để có một đời sống tình dục hạnh phúc.