Hiện nay, tình trạng ly hôn đang diễn ra ngày càng phổ biến, nhiều trẻ em phải đối mặt với cảnh gia đình tan vỡ. Khi điều đó xảy ra với bạn, có thể bạn sẽ cảm thấy rất cô đơn và mất phương hướng. Dù vậy, đối mặt với việc cha mẹ ly hôn tưởng chừng rất khó khăn thì bạn hoàn toàn có thể vượt qua nỗi đau này để có một cuộc sống tốt hơn, thay vì đầu hàng nghịch cảnh.
Tại sao cha mẹ bạn ly hôn?
Cha mẹ ly hôn vì nhiều lý do. Thông thường các cặp vợ chồng ly dị khi họ cảm thấy không thể sống chung với nhau, do mâu thuẫn gia đình đến mức không thể chịu đựng hơn nữa, hay đơn giản là tình yêu đã nhạt phai theo năm tháng… Ly hôn đôi khi là do sự xuất hiện của người thứ ba, đôi khi do một vấn đề nghiêm trọng như uống rượu, lạm dụng hoặc cờ bạc. Thường thì tâm hồn non nớt của trẻ sẽ cho rằng cha mẹ ly hôn phần nào là do lỗi của chúng, nhưng điều đó vẫn không làm thay đổi bản chất sự việc.
Một số thanh thiếu niên tìm cách tự hoàn thiện mình trong các mối quan hệ với cha mẹ như tỏ ra ngoan hơn, đạt được điểm số tốt hơn ở trường, siêng năng hơn. Nhưng ly thân và ly hôn là vấn đề của hai vợ chồng, là quyết định của người lớn.
Nếu cha mẹ ly hôn, bạn sẽ trải nghiệm qua nhiều cảm xúc cùng lúc từ tức giận, thất vọng, buồn bã cho tới cô đơn. Bạn có thể trải nghiệm cảm giác được sự đùm bọc, chở che của người thân này và hờn giận người thân kia. Bạn có thể cảm thấy bị bỏ rơi, sợ hãi, lo lắng hoặc cảm giác có tội.
Ngược lại, bạn cũng có thể cảm thấy bớt căng thẳng khi mà trước đó trong một thời gian dài, không khí gia đình bạn thật sự căng thẳng. Những cảm giác này là bình thường và bạn nên thổ lộ, chia sẻ chúng với bạn bè, những người lớn đáng tin cậy như ông bà, cô, chú, cậu, mợ… Điều này thực sự hữu ích cho bạn đấy!
Phải làm gì khi cha mẹ li hôn?
-
1
Hãy cố gắng giữ gìn hòa khí trong gia đình. Một cuộc ly hôn sẽ dễ chịu nhất khi cả cha và mẹ đều thuận tình. Thanh thiếu niên sẽ cảm thấy đặc biệt khó khăn khi cha mẹ của họ cãi cọ hay to tiếng với nhau. Bạn không thể lay chuyển được quyết định ly hôn của họ nhưng chắc chắn bạn có thể yêu cầu cha mẹ mình dừng hẳn các cuộc khẩu chiến hay nói xấu lẫn nhau. Có thể cha mẹ bạn bất đồng chính kiến nhưng họ sẽ giữ hòa khí nhằm tránh gây căng thẳng cho con cái.
-
2
Bạn hãy xử sự công bằng. Hầu hết thanh thiếu niên đều không muốn làm cha mẹ bị mất mặt, Bạn phải dung hòa trong cách xử sự với người này để người kia không cảm thấy bị tổn thương, hay cho rằng bạn phản bội họ. Ở thời điểm này gánh nặng hạnh phúc của cha hoặc mẹ bạn phụ thuộc hoàn toàn vào cách xử sự của bạn.
-
3
Khi cha hoặc mẹ cảm thấy những căng thẳng sau ly hôn là khó giải quyết được thì họ có khuynh hướng tìm đến các chuyên gia tâm lý hay các tư vấn viên. Thanh thiếu niên cũng thật sự cần thiết có được những buổi trò chuyện bổ ích như vậy để vượt qua những căng thẳng do việc cha mẹ ly hôn mang lại.
-
4
Bạn hãy giữ liên lạc với cha mẹ mình dù rằng việc đi lại giữa hai nhà có thể thật sự khó khăn. Nếu bố và mẹ của bạn sống tách biệt quá xa nhau về khoảng cách địa lý, thì một tin nhắn email của bạn gửi cho họ với ý nghĩa “Con đang nghĩ đến cha/mẹ” sẽ giúp giảm bớt cảm giác thiếu vắng, cô đơn từ hai phía. Nỗ lực giữ gìn mối liên lạc của bạn sẽ giúp bạn luôn có được sự quan tâm chăm sóc của cả cha lẫn mẹ trong mọi hoạt động hàng ngày.
-
5
Hãy hành động. Bạn có thể mời cả cha lẫn mẹ cùng tham gia một trò chơi hay xem một buổi biểu diễn, nhưng đôi khi sự xuất hiện của người này lại làm người kia mất hứng, hoặc họ không muốn gặp nhau. Bạn phải tìm cách tạo ra càng nhiều cơ hội cho gia đình gặp mặt nhau càng tốt, bởi bạn cần sự hỗ trợ và hiện diện của cha mẹ kể cả trong quá trình ly hôn của hai người. Bạn phải tìm ra biện pháp cho vấn đề này và đề xuất với cha mẹ mình.
-
6
Bạn hãy đưa ra những suy nghĩ tích cực nhằm đối phó lại với những thay đổi do việc cha mẹ ly hôn mang lại. Bạn có thể sẽ bất ngờ phát hiện ra nhiều điều thú vị. Nhiều thanh thiếu niên phát hiện ra rằng cha hoặc mẹ hay cả hai người thật sự sống hạnh phúc hơn sau khi ly hôn, hoặc bạn có thể phát triển những cách giao tiếp mới và tốt hơn với cha hoặc mẹ của mình ở các khoảng thời gian sống riêng với từng người.
-
7
Đối phó tốt với ly hôn cũng đồng nghĩa với việc thanh thiếu niên trở nên trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Hãy cho phép những người khác hỗ trợ bạn trên đường đời, hãy nhìn cuộc sống với thái độ lạc quan, yêu đời hơn. Những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ đến với bạn và dù có nghịch cảnh gì xảy ra, bạn hãy tự tin vượt qua nó và trưởng thành.
Một số thanh thiếu niên học được cách sống bình dị, xả thân và những kỹ năng chăm sóc cho các em của mình khi chúng cần được hỗ trợ và thương yêu. Những đứa con trong gia đình sẽ sống có trách nhiệm, đùm bọc, thương yêu, đoàn kết hơn để đối phó với nguy cơ ly hôn của cha mẹ.