Tấm hình này mình thấy từ mấy hôm trước trên mạng xã hội hay hay nên lưu lại.
Nó chỉ cho ta thấy một thực trạng buồn của giáo dục, rộng hơn là của xã hội. Vui một chút sau “vinh quang” với tấm bằng sẽ là giai đoạn ngập chìm trong biển khủng hoảng về công việc dẫn đến bế tắc trong cuộc sống. Cho nên ở đây tạm dùng từ khủng hoảng trong định hướng nghề của xã hội.
Vui một chút sau “vinh quang” với tấm bằng sẽ là giai đoạn ngập chìm trong biển khủng hoảng về công việc
Một xã hội quá trọng bằng cấp dẫn đến hiện tượng nhắm mắt nhắm mũi quyết phải học đại học (ĐH) cho bằng được. Nhưng học xong để làm gì khi có rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp?
Trong khi rất nhiều khu công nghiệp, mà tôi trực tiếp biết như ở Bắc Ninh vẫn liên tục tuyển lao động nhưng họ chỉ dành cho đối tượng học nghề hoặc chỉ cần bằng cấp 3. Nhiều sinh viên phải giấu bằng ĐH và sử dụng lại bằng ở cấp thấp hơn. Cũng xin nói thêm mức lương một số doanh nghiệp tại đây không hề thấp so với mặt bằng chung.
Vậy bằng ĐH vô giá trị? Không phải thế. Tuy nhiên tấm bằng chỉ có tác dụng khi người sở hữu nó có trình độ chuyên môn đúng với những gì ghi trong đó. Trong khi nhà tuyển dụng lại tuyển các vị trí phù hợp với bằng cấp. Những người có bằng ĐH nhưng giấu đi để ứng tuyển vào vị trí công nhân là người được đào tạo ĐH nhưng khả năng thực không đúng với bằng cấp, họ không đủ tự tin để ứng tuyển vị trí lẽ ra tương xứng với mình ngay tại chính doanh nghiệp đó.
Đối với các nhà tuyển dụng, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tuyển kiểu quen biết, con cháu mà đúng vị trí, khả năng chuyên môn nên bằng cấp “ảo” không bao giờ được phát huy trong đời thực ở khu vực này.
Vậy thì đã rõ có hay không việc nhất thiết cần tấm bằng ĐH. Trên thực tế, nhiều công việc không cần tới tấm bằng ĐH, nhiều người rất thành đạt không qua giảng đường ĐH, thậm chí nhiều người trong số đó lãnh đạo hoặc thuê nhân lực là các cử nhân ĐH. Có nghĩa là với một môi trường cạnh tranh lành mạnh không có chỗ cho cái “ảo”, xu nịnh, chém gió mà chỉ có năng lực bản thân mới là điều quyết định. Vì thế không nhất thiết phải học ĐH, cao đẳng hoặc trung cấp cũng rất quý nếu phù hợp và phát huy được khả năng bản thân.
Vấn đề ở đây là ai sẽ có trách nhiệm trong việc cân bằng lại nhận thức xã hội để giải quyết khủng hoảng định hướng nghề? Giải quyết vấn đề bày cần có thời gian và một chiến lược sáng suốt.
Giải pháp “cấp tính” hiện nay khi cơn khát ĐH chưa hạ nhiệt là tăng cường đào tạo nghề ở cấp học ĐH. Khi đó, vừa thoả được “cơn khát” ĐH vừa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của nhà tuyển dụng.
Nhà Nghiên cứu, Lý luận- Phê bình âm nhạc: Nguyễn Quang Long
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.