Lần đầu tiên chụp được ảnh hiện tượng phóng các dòng plasma từ Mặt trời

Các nhà khoa học Nhật Bản đã chụp được ảnh một hiện tượng vô cùng hiếm gặp – các dòng plasma được phóng ra từ quầng của Mặt trời. Đây là lần đầu tiên con người phát hiện được nguồn gốc các dòng vật chất ở dạng đặc biệt (ion) này được phóng ra từ Mặt trời.

Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng trên được gọi là gió Mặt trời gây tác động tới từ trường của Trái đất và được coi là nguyên nhân làm xuất hiện hiện tượng Bắc cực quang trên Trái đất.

Với sự trợ giúp của kính thiên văn “Hinode” (Bình minh) được phóng lên quỹ đạo Trái đất năm 2006, các nhà thiên văn học Nhật Bản đã quan sát thấy hiện tượng từ bề mặt Mặt trời phun ra các tia plasma có chiều dài 2-5 nghìn km chuyển động với vận tốc 140 km/giây. Các tia này tạo thành một số dòng plasma đi vào khoảng không vũ trụ giữa

(Ảnh: SAO, NASA, JAXA, NAOJ)

các hành tinh dọc theo các đường sức từ trường của Mặt Trời. Nguồn bức xạ của một số dòng này chiếm khoảng một phần tư tổng khối lượng plasma được phóng ra – khoảng một triệu tấn/giây, mặc dù diện tích khu vực bức xạ plasma chỉ chiếm khoảng một phần 10 nghìn diện tích bề mặt Mặt trời. Mỗi giờ trên Mặt trời xuất hiện khoảng 50 -60 nguồn bức xạ plasma như vậy.

Theo nhà khoa học Nhật Bản Kajunari Sibata, những bức ảnh do kinh thiên văn “Hinode” chụp được về hiện tượng trên sẽ cho phép con người trả lời câu hỏi tại sao bầu khí quyển xung quanh Mặt trời lại có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của chính ngôi sao này: Nhiệt độ ở quầng Mặt trời lên tới gần 1 triệu độ C, trong khi nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời chỉ vào khoảng 6.000 độ C. Rất có thể chính việc bức xạ năng lượng ra bên ngoài dọc theo các đường sức từ trường của Mặt trời đã gây ra hiện tượng này.

Phát hiện trên đã được công bố trên tất cả các tờ báo khoa học lớn của Nhật Bản ra ngày 7/12 và tạp chí khoa học “Science” của Mỹ.

 

Theo TTXVN, Thanh niên