Lần đầu tiên Đức lưu trữ CO 2 vào lòng đất

Thứ hai tuần trước, khí CO2 lần đầu tiên được bơm vào một nơi từng chứa khí đốt tại Ketzin gần Potsdam (Đức). Nơi lưu trữ này có thể là kẻ tiên phong cho những hầm trữ khổng lồ trong tương lai.

Lọc lại và lưu trữ khí CO2 từ khí thải công nghiệp được xem là công nghệ chủ chốt cho việc bảo vệ khí hậu. Các nhà nghiên cứu muốn thử nghiệm nhiều phương pháp để kiểm tra theo dõi và tìm ra được phương pháp thích hợp nhất cho những nơi lưu trữ lớn.

Cho đến nay, thế giới có rất ít kinh nghiệm trong việc lưu trữ lâu dài và an toàn một lượng lớn khí CO2 trong lòng đất. Với dự án mới, Trung tâm nghiên cứu địa học Đức (GFZ) tại Potsdam và các đối tác công nghiệp hy vọng lấp được lỗ hổng kiến thức này. “Chúng tôi muốn theo dõi về mặt số lượng của toàn bộ kho lưu trữ và các quá trình diễn ra trong đó”, ông Frank Schilling, lãnh đạo dự án, nói.

Để đạt được mục đích này các kỹ sư đã khoan 3 lỗ sâu 800 m. Khí CO2 được bơm qua một trong các lỗ khoan vào trong lớp sa thạch xốp. Hai đường khoan còn lại chỉ dùng để đo đạc. Theo ông Schilling, cách kết hợp khoan này hiện là độc nhất trên thế giới. “Qua đó có thể quan sát chính xác được khí CO2 lan truyền theo thời gian và không gian ra sao”, ông nói.

Nhiều bộ cảm ứng đặc biệt sẽ tiết lộ cho các nhà nghiên cứu của viện về dao động nhiệt độ, liệu độ cách điện trong các tầng đá chứa CO2 có thay đổi hay không và những phản ứng hóa học nào sẽ xảy ra giữa khí CO2 và các khoáng chất ở các độ sâu khác nhau. Trong vòng 2 năm tới đây các nhà điều hành dự án hy vọng sẽ biết chính xác những phương pháp đo lường nào sẽ cung cấp được tình trạng lưu trữ đáng tin cậy nhất.

Sơ đồ dự án. Các kỹ sư đã khoan 3 lỗ sâu 800 m. Khí CO2 được bơm qua một trong các lỗ khoan vào trong lớp sa thạch xốp. (Ảnh: GFZ)

Dự định sẽ lưu trữ 60.000 tấn CO2

60.000 tấn CO2 sẽ được trữ tại Ketzin. Nếu so với lượng CO2 do công nghiệp thải ra hằng năm, nơi lưu trữ dùng để nghiên cứu này rất khiêm tốn. Vì sự khác nhau về độ lớn giữa nơi thí nghiệm như tại Ketzin và những nơi lưu trữ trên quy mô lớn nên nhiều chuyên gia nghi ngại rằng không hiểu kiến thức thu thập được ở đây có thể mang sang áp dụng cho những nơi lưu trữ lớn hay không.

Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường như Greenpeace cảnh báo nguy hiểm do việc lưu trữ CO2 mang lại, thí dụ như khi CO2 lưu trữ lại thoát ra ngoài. Vì CO2 nặng hơn không khí nên nó có thể tụ lại ở những nơi trũng hay trong những tòa nhà kín và trong trường hợp hãn hữu có thể gây chết người. Họ yêu cầu “tránh thải ra CO2 thay vì chôn nó đi”.

Tuy nhiên, ông Schilling tuyên bố dự án tại Ketzin là rất an toàn: Một lớp đá trầm tích ở phía trên đá xốp trữ ngăn chận không cho CO2 thoát ra. 3 lỗ khoan được bịt kín bằng xi măng đặc biệt.

Dự án đã tiêu tốn trên 20 triệu euro, 80% là từ nguồn của EU và ngân sách quốc gia Đức, phần còn lại là từ các tập đoàn công nghiệp tư nhân.

 

Theo Phan Ba (theo FOCUS online, VnExpress)