Các nhà khoa học lần đầu tiên chế tạo thành công gạch từ bụi Mặt Trăng mô phỏng để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của con người lên thiên thể này.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức (DLR) ở thành phố Cologne đã tạo ra những viên gạch Mặt Trăng trong lò nung sử dụng ánh sáng mặt trời được khuếch đại qua 147 lăng kính có thiết kế cong đặc biệt, RT ngày 5/5 đưa tin.
Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, là điểm đến các nhà khoa học đang hướng tới. (Ảnh: AFP).
Khoáng vật được nung chảy bằng các tia có nhiệt độ cao để tạo thành chất liệu mô phỏng bụi Mặt Trăng trước khi được máy in 3D in thành gạch. “Chúng tôi mang nguyên liệu mô phỏng bụi Mặt Trăng vào nung trong lò sử dụng ánh sáng Mặt Trời”, Advenit Makaya, kỹ sư chất liệu giám sát dự án cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết.
“Sử dụng máy in 3D, chúng tôi tạo ra các lớp bụi mặt trăng dày 0,1mm ở nhiệt độ 1.000 độ C và có thể tạo ra một viên gạch có kích thước 20x10x3cm dùng cho xây dựng trong khoảng 5 giờ”, vị kỹ sư giải thích thêm.
Ánh sáng đèn xenon được sử dụng thay thế ánh sáng Mặt Trời trong những ngày nhiều mây.
Các nhà khoa học tin tưởng việc định cư trên Mặt Trăng là khả thi với công nghệ này do tiết kiệm được chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng lên Mặt Trăng. “Dự án này là một bằng chứng cho thấy một phương pháp xây dựng trên Mặt Trăng thật sự khả thi”, Makaya nói.
Theo VnExpress