Các nhà thiên văn học hôm qua vui mừng thông báo họ đã lần đầu tiên quay được cảnh tượng một ngôi sao băng phát nổ. Chính vì vậy mà giờ đây họ có thể biết được cách quan sát những vụ nổ sao băng khác.
Nhờ may mắn mà các nhà thiên văn học đã “chộp” được vụ nổ sao băng trong khi đang quan sát một khu vực khác trong một giải ngân hà ở rất xa Trái đất. Họ đã chuyển rất nhiều loại kính viễn vọng đúng hướng kịp thời.
“Suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã mơ được quan sát hiện tượng sao phát nổ”, Alicia Soderberg, thuộc trường đại học Princeton, New Jersey, Mỹ, cho biết. Bà là người dẫn dắt nhóm các nhà thiên văn quốc tế đang quan sát và nghiên cứu quá trình chết của ngôi sao băng 2008D trong dải ngân hà NGC 2770, cách Trái đất 88 triệu năm ánh sáng.
“Ngày 9/1 vừa qua, chúng tôi đã ở đúng vị trí, đúng thời điểm, với kính viễn vọng đúng loại, và chúng tôi đã chứng kiến một sự kiện lịch sử”, bà cho biết.
Sao băng là một ngôi sao đang chết, nhưng lớn hơn rất nhiều mặt trời của Trái đất. Đầu tiên nó sẽ nổ tung ra ngoài, sau đó tự co lại thành một quả cầu cô đặc và lạnh giá. Đôi khi nó có thể trở thành một hố đen.
Tổng hợp hình ảnh quan sát được trong vụ nổ. (Ảnh: Reuters) |
Trên thực tế, các nhà thiên văn học trong nhóm của bà Soderberg đang quan sát sự kiện đã xảy ra 88 triệu năm trước, nhưng với thời gian ở Trái đất, chúng lại chỉ đang xảy ra và các nhà thiên văn học có thể quan sát ngôi sao băng đó thể như chúng đang phát nổ vậy.
“Nhờ sử dụng những loại kính viễn vọng tia X, sóng vô tuyến và quang học mạnh nhất trên mặt đất và trong vũ trụ, chúng tôi đã có thể quan sát được tiến trình của vụ nổ ngay từ đầu”, Edo Berger, đồng nghiệp trong đội của Soderberg cho biết. “Cuối cùng đã có thể khẳng định được vụ nổ tia X đánh dấu sự “chào đời” của sao băng”.
Khi Soderberg và các đồng nghiệp của bà đang thực hiện lần quan sát định kỳ ngôi sao NGC 2770 bằng kính viện vọng tia X trên vệ tinh Swift của NASA thì họ thấy một chòm tia X sáng rực phát ra từ một dải trong ngân hà NGC 2770.
Ngay lập tức 38 thành viên trong nhóm khoa học quốc tế của bà đã dùng tất cả mọi kính viễn vọng trên mặt đất và trong không gian có thể để quan sát. Họ hi vọng có thể thu thập được thông tin giúp các nhà thiên văn học quan sát được các sao băng khác nhanh hơn.
“Những thiết bị thiên văn trong tương lai sẽ cho phép chúng tôi giải được bí ẩn về các vụ nổ sao băng”, bà Soderberg nói.
Theo Phan Anh (Reuters, Dân Trí)