Theo The Guardian, tại Trung tâm nghiên cứu thủy lực ở Wallingford (Anh), các nhà khoa học lần đầu tiên đã tạo được sóng thần nhân tạo.
Theo các nhà khoa học, những vụ thử nghiệm sóng thần nhân tạo sẽ giúp dự báo tốt hơn những trận sóng thần gây thảm họa và cải thiện việc bảo vệ bờ biển, sơ tán dân…
Từ năm 2004, trên thế giới đã xảy ra 5 trận sóng thần lớn cướp đi không dưới 300.000 sinh mạng. Loài người ngày càng xây nhiều thành phố ven biển và nguy cơ hứng chịu sóng thần đã tăng lên nhiều lần. Trong khi đó các nhà khoa học vẫn thiếu các dữ liệu giúp tối ưu hóa việc thiết kế các công trình xây dựng cũng như những con đê chắn sóng.
Công trình nghiên cứu của họ sẽ giúp ích cho các kỹ sư khi thiết kế các ngôi nhà, các con đập chịu được sức tàn phá của sóng thần.
Thông thường, khi xảy ra thảm họa, tất cả các thiết bị khoa học thu thập thông tin cần thiết đều bị hủy hoại. Chính vì thế mà các nhà khoa học Anh đã quyết định tạo ra sóng thần ở một bể nước đặc biệt dài 70m. Thiết bị tạo sóng thần có khả năng tạo sóng nhân tạo giống sóng thần đại dương với tỷ lệ 1:50. Sóng xuất hiện khi một máy bơm cực mạnh hút hết một khối lượng lớn nước rồi xả ngược lại vào bể, tạo ra sóng cao đánh vào thành bể giống như kịch bản thảm họa sóng thần khủng khiếp năm 2004 ở Ấn Độ Dương và năm 2011 ven bờ Nhật Bản.
Giáo sư Tiziana Rossetto ở Đại học London, lãnh đạo dự án nói rằng Trung tâm nghiên cứu thủy lực Wallingford là đơn vị khoa học duy nhất tạo ra sóng thần nhân tạo để giúp thiết kế những công trình ven biển chịu được sóng thần. Khi đến Sri Lanka và Thái Lan, những nơi hứng chịu trận sóng thần năm 2004, giáo sư nhận thấy một số khu nhà ven biển vẫn nguyên vẹn bên những ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Mục tiêu của các nhà khoa học là tìm ra nguyên nhân đằng sau hiện tượng đó.
Khác với những lần thử nghiệm trước, khi cánh quay máy bơm hay việc tung những khối bê tông xuống nước chỉ tạo ra những làn sóng ngắn, không thể đưa sóng đi khoảng cách xa; lần này máy bơm khí tạo ra được những cơn sóng dài.
Các nhà khoa học Anh đã đặc biệt chú ý đến việc mô hình hóa những tình huống ít được nghiên cứu khi sóng phá hủy các công trình xây dựng. Nhà nghiên cứu David McGovern, cũng là một người tham gia dự án, chia sẻ rằng công trình nghiên cứu của họ sẽ giúp ích cho các kỹ sư khi thiết kế các ngôi nhà, các con đập, các nhà máy điện nguyên tử để có thể chịu được sức tàn phá của sóng thần cũng như giúp lên phương án sơ tán dân khi xảy ra thảm họa.