Lắng nghe con bằng cả trái tim

Lắng nghe con bằng cả trái tim
Lắng nghe con bằng cả trái tim

Lắng nghe bằng cả trái tim hoàn toàn khác với việc lắng nghe bằng tai đơn thuần. Chỉ có một số ít người biết cách làm được điều này, và rất ít các người làm cha, làm mẹ lắng nghe con theo cách này.

Lắng nghe con bằng cả trái tim

Lắng nghe bằng cả trái tim, có nghĩa là quan tâm một cách chân thật, cởi mở và chu đáo. Điều đó có nghĩa là muốn nghe, muốn biết và tỏ ra ngạc nhiên và không tranh luận, cắt ngang hay khuyên bảo bất cứ điều gì khi con đang nói. Lắng nghe bằng cả trái tim có nghĩa là không đưa quan điểm của mình vào để nhận xét mà chỉ lắng nghe xem quan điểm sống của con là như thế nào. Đó là việc lắng nghe với cảm giác ngạc nhiên, muốn biết. Khi bạn lắng nghe bằng cả trái tim, con bạn sẽ cảm thấy an toàn để có thể nói ra tất cả, và sẽ cởi mở nói chuyện cũng như sẵn sàng chia sẻ.

Khi con trai một người bạn tôi ở nước ngoài bị bắt quả tang trốn học, chàng ta rất lo lắng, gọi cho bố và khăng khăng muốn bố đến đón ngay. Trong lúc lái xe đến trường, bố cậu ta tự nhủ rằng sẽ không kết tội con mà để cho con mình được nói. Cậu bé nói với bố rằng cậu không muốn quay lại trường học ngày hôm đó và cậu cần thời gian để suy nghĩ. Vì thế, thay vì trách mắng, giáo huấn hay khuyên bảo qua loa, bạn tôi đưa con trai đi dạo và tiếp tục nghe con nói. Cậu bé bắt đầu kể cho bố nghe mọi chuyện, từ đá bóng đến học hành, rồi chuyện tiền nóng. Người bố càng lắng nghe thì cậu bé càng kể nhiều hơn, nào về cô bạn gái cùng lớp, về những gì cậu bé nghĩ về giới tính, về những điều cậu muốn làm trong tương lai. Bởi vì người bố đã lắng nghe và cảm nhận bằng cả trái tim – điều làm dịu đi các mối quan hệ hơn là đối đầu thường gặp giữa bố và con trai – nên kết quả, cậu con trai sau đó đã bắt đầu nghe ý kiến của bố mình.

Khi một đứa trẻ lo lắng, nó cần được cha mẹ lắng nghe hơn là giáo huấn. Bạn hãy nhớ khi đó nói càng ít càng tốt, và đôi khi chỉ vài lời như “Thế à?”, “Ồ”, “Lạ nhỉ” là đủ. Đừng cố dỗ dành để biết thêm thông tin nhiều hơn những gì trẻ muốn nói. Một đứa trẻ khi khóc không muốn bị căn vặn hay khuyên bảo. Thực tế nó chỉ muốn bạn hiểu và cảm thông mà không cần giải thích. Khi trẻ đã ngừng khóc, bạn có thể hỏi một câu đơn giản “Có chuyện gì thế con gái?”, hay “Có vẻ con đang có một ngày không vui nhỉ?”. Một số trẻ có thể chia sẻ thêm, một số khác lại muốn giữ im lặng. Và bạn phải học cách tôn trọng điều đó.

Việc lắng nghe bằng cả trái tim sẽ làm hai mẹ con bạn gần gũi nhau hơn và bạn sẽ thấy được rằng, sự dịu dàng, yên lặng lắng nghe của mình là tất cả những gì bọn trẻ cần để có được giải pháp cho riêng chúng.

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.