Theo tài liệu khảo sát của tỉnh Lạng Sơn năm 2005, toàn tỉnh có 44 nghìn trong tổng số hơn 151 hộ nghèo chiếm 29,7%. Tỉnh hiện có gần bảy nghìn hộ đang ở nhà tạm, dột nát và hơn bốn nghìn hộ quá nghèo cần phải làm nhà ngay, v.v. Trong chương trình phát triển kinh tế – xã hội, việc đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật để khai thác tiềm năng đất đai, lao động phát triển kinh tế đang được Lạng Sơn quan tâm.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì Lạng Sơn quả là nơi kinh tế phát triển. Nhìn những đoàn xe ở các địa phương trong cả nước, hối hả nối đuôi nhau ngược đường đổ về Lạng Sơn, một đồng chí lãnh đạo ngành của tỉnh vùng xuôi nói vui rằng: Thu ngân sách tỉnh mình cũng chỉ bằng tiền trông xe của Lạng Sơn một năm!
Nhân giống phong lan bằng phương pháp nuôi cấy mô. (Ảnh: ND) |
Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn là tỉnh nghèo. Thậm chí rất nghèo, bởi tỉnh vẫn còn nhiều xã trong diện 135 (vùng đặc biệt khó khăn). Theo tài liệu điều tra của tỉnh, số hộ nghèo ở Lạng Sơn năm 2005 là 29,07%, năm 2006 giảm xuống còn 27%. Tỉnh Lạng Sơn có nhiều dự án phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, trong đó, việc đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật giúp các gia đình phát triển kinh tế được tỉnh xác định là một trong những khâu then chốt trong việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Bình cho biết: Chỉ tính riêng năm 2006, Trung tâm khuyến nông phối hợp cùng các trạm và trường công nhân kỹ thuật T.Ư 1 tổ chức 14 lớp tập huấn nghiệp vụ cho toàn thể khuyến nông viên cơ sở về phương pháp chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào vật nuôi, cây trồng, phương pháp hạch toán kinh tế hộ, sản xuất hàng hóa, kỹ thuật thâm canh trên đất dốc, v.v. Sau đó, các trạm khuyến nông cơ sở tổ chức gần 1.600 “hội nghị” đầu bờ với gần 60 nghìn lượt người tham gia. Trung tâm cũng đã triển khai hơn mười dự án phát triển kinh tế hộ ở vùng sâu, vùng xa.
Ở xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn) trồng 46 ha ngô lai. Kết quả cho thấy năng suất trung bình đạt hơn 50 tạ/ha mỗi vụ. Mô hình giúp đồng bào Dao ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trồng ngô lai trên đất trồng một vụ lúa; đất bãi, đất dốc nhằm sắp xếp, bố trí thời vụ hợp lý. Mô hình lúa lai vào vùng khó với quy mô 35 ha tại xã Hùng Việt (Tràng Ðịnh), Bằng Hữu (Chi Lăng), đây là mô hình bố trí vào ruộng lúa trên đất một vụ không chủ động nước. Năng suất bình quân đạt 73 tạ/ha( trong đó xã Bằng Hữu đạt 60,2 tạ/ha, Hùng Việt 67 tạ/ha), giúp đồng bào thay đổi tập quán canh tác thay giống lúa cũ bao thai lùn năng suất thấp. Mô hình lạc giống L14 trên địa bàn hai xã Yên Vượng (Hữu Lũng) và Gia Cát (Cao Lộc). Mô hình có tác dụng khơi lại phong trào trồng lạc của tỉnh đang có xu hương giảm cả về diện tích và năng suất. Ðồng thời, giới thiệu giống lạc mới có khả năng chống sâu bệnh, cho năng suất cao khuyến cáo nông dân đưa vào thay thế giống cũ.
Mô hình đậu tương ÐT 84 ở hai xã Yên Vương (Hữu Lũng), Gia Cát (Cao Lộc) mở rộng diện tích trồng đậu tương, tăng độ phì cho đất. Mô hình nuôi gà an toàn sinh học quy mô gần 10 nghìn con trong bảy huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Ðình Lập, Tràng Ðịnh, Văn Lãng và TP Lạng Sơn sau khi nuôi 10 tuần tuổi, đạt trọng lượng 2,4-2,7 kg/con. Trừ chi phí mỗi con lãi 16-20 nghìn đồng. Mô hình vỗ béo bò quy mô 200 con ở hai xã Tú Xuyên (Văn Quan), Tân Lập (Bắc Sơn), v.v. Ngoài ra, các dự án được triển khai đó là mô hình trồng rừng bạch đàn, trồng rừng lát Mê-hi-cô ở Văn Quan (Hữu Lũng), Châu Sơn ( Ðình Lập), mô hình hỗ trợ sấy và bảo quản nông sản ở Chiến Thắng, Vũ Lễ ( Bắc Sơn), nuôi cá rô phi đơn tính, cá nheo ngạnh ươm gần một triệu con giống, giúp nông dân khai thác diện tích mặt nước để phát triển kinh tế.
Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật, hàng loạt mô hình phát triển kinh tế vườn đồi ra đời ở các huyện Bắc Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng, Ðình Lâp. Hoặc mô hình nuôi trồng thủy sản ở Ðình Lập, Lộc Bình, TP Lạng Sơn, v.v. sự ra đời của các mô hình kinh tế là đòn bẩy giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh khai thác tiềm năng đất đai, lao động phát triển kinh tế hộ, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Lạng Sơn, một tỉnh biên giới có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế theo hướng thương mại và dịch vụ, song tiềm năng đất đai và lao động ở địa phương cũng là một lợi thế để địa phương khai thác nhằm xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lương Ðăng Ninh cho biết, Lạng Sơn đang triển khai dự án phát triển khoai tây giống mới sạch sâu bệnh, năng suất cao tại ba vùng trọng điểm, đó là Lộc Bình, Hữu Lũng, Tràng Ðịnh để cung cấp giống cho một số tỉnh và tiến tới trở thành trung tâm giống khoai tây của cả nước. Ðồng thời, tỉnh khuyến khích phát triển cây hồi với diện tích 32 nghìn ha ở sáu huyện và xây dựng thương hiệu sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn.
Bài và ảnh: ÐỖ TẤN, HÙNG TRÁNG
Theo Nhân dân