Bằng cách theo dõi đường đi của 273 cơn địa chấn mạnh trong suốt 20 năm qua, các nhà khoa học tại UC Berkeley đã lần đầu tiên lập nên một bản đồ 3D về cấu trúc bên trong Trái Đất và điều đó lý giải được magma do núi lửa phun trào từ đâu mà có.
Các nhà khoa học đã lập được bản đồ 3D trong lòng Trái đất
Chúng ta đều biết khi núi lửa hoạt động thì magma sẽ phun trào “từ dưới lòng đất” lên bề mặt. Nhưng người ta vẫn chưa biết được cụ thể làm thế nào miệng núi lửa có thể liên kết với phần lõi của túi dung nham sâu 2900km bên dưới bề mặt Trái Đất. Và quan trọng hơn, họ biết được rằng hầu hết các luồng dung nham không đi theo đường thẳng từ dưới lên, mà bắt nguồn từ “2 nguồn chính” và lan tỏa ra dần lên trên mặt đất tại các điểm nóng núi lửa.
Như có thể thấy từ bức bản đồ (trong video), 2 vùng màu đỏ chính là 2 nguồn dung nham của Trái Đất. Nó nằm ở bên dưới lớp vỏ Trái Đất và phía trên lõi sắt. Bản đồ độ chi tiết cao này không chỉ cho thấy mạng lưới liên kết giữa các điểm nóng trên hành tinh mà còn tiết lộ đường đi của các luồng dung dam dài 1000km trải rộng ra từ 600 đến 1000km, rộng hơn 5 lần so với các dự đoán trước đây. Các luồng dung nham này có nhiệt độ nóng hơn 400 độ C so với các lớp đá xung quanh.
Mặt cắt chùm mantle dày 1800km nằm bên dưới Thái Bình Dương và mạng liên kết với các điểm nóng núi lửa trên mặt đất.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng bản đồ này vẫn chưa thật sự hoàn hảo do vẫn còn nhiều điểm nóng núi lửa chưa được liệt kê. Tuy nhiên, đây là một bước tiến rất lớn, tăng cường thêm hiểu biết về các luồng dung nham vốn vẫn là bí ẩn đối với các nhà địa chất trước đây. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ cho ra đời phiên bản độ chi tiết cao hơn nữa nhờ sự hỗ trợ của các vệ tinh cảm ứng trọng lực.
Theo Tinh Tế