Các nhà khoa học trên thế giới đã quan sát và phát hiện, hiện tượng thần giao cách cảm xuất hiện không chỉ ở người mà còn trong thế giới động vật.
Thần giao cách cảm ở động vật
Thần giao cách cảm được hiểu là khả năng truyền ý nghĩ không bằng những giác quan thông thường. Các nhà khoa học sớm phát hiện, thần giao cách cảm xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trong thế giới động vật. Ví dụ, một chú sói mải mê theo mồi, bị lạc bầy, mẹ của chú ngẩng cao đầu, dõi mắt nhìn chăm chú theo hướng của đứa con tinh nghịch, lập tức bầy sói con dừng lại và xoay người về với mẹ dù cách xa hàng trăm dặm.
Hay như với những loài sâu bọ đang sống quây quần thành đàn, thần giao cách cảm giúp chúng thông báo cho nhau mối nguy hiểm. Hoặc theo quan sát của nhiều nhà sinh học, loài kiến có một hệ thống giao tiếp với nhau khác hẳn các kiểu truyền tin thông thường.
Các nhà khoa học Nga đã tiến hành thí nghiệm, đưa một đàn thỏ con mới sinh xuống một chiếc tàu ngầm, tách khỏi mẹ chúng đang ở trên bờ cách đó hàng nghìn km. Đoàn thuỷ thủ được lệnh giết chết từng con thỏ một. Và cứ sau mỗi nhát dao, trên điện tâm đồ, người ta lại thấy tim của thỏ mẹ đập nhanh hơn. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Nga không giải thích được tại sao lại có “sợi dây” vô hình giữa thỏ mẹ và thỏ con khi ở cách xa nhau như thế, và họ cho rằng đây là hiện tượng thần giao cách cảm.
Bên cạnh đó, động vật cũng có khả năng linh cảm, dự báo trước thảm họa. Như buổi sáng mùa hè năm 1963, nhân viên bảo vệ Thảo cầm viên thành phố Skopjie thuộc tỉnh Macedonia của Nam Tư (nay là thủ đô của Skopjie của nước cộng hoà Macedonia) cảm nhận những điều khác thường. Không hiểu sao mới sáng sớm, đám thú rừng nuôi trong lồng nhốn nháo cả lên, chúng không thiết ăn uống, rồi gào lên những tiếng thảm thiết, nhảy lung tung định phá hàng rào tẩu thoát. Đến chiều thì cả những chú mèo vốn hiền lành bỗng leo lên tận mái nhà, xù lông, cong đuôi, rít lên từng hồi. Vài con bò chạy ngơ ngác trên đường phố, va chạm lung tung vào cửa hàng, xe cộ… Còn chim chóc xáo xác xuất hiện từng đàn bay về hướng nam.
Những điều bất thường đó như muốn báo động, có một hiện tượng nào đó rất nghiêm trọng sắp xảy đến. Và lúc 5h sáng ngày 26/7/1963, trong lúc mọi người chưa thức giấc, thì mặt đất chuyển mình nhô lên rồi hạ xuống như sóng biển, những khe đất mở ra như miệng con quái vật. Chỉ sau 17 phút, cả thành phố chỉ còn là một đống đổ nát chôn vùi 1.500 người bất hạnh.
Thần giao cách cảm ở con người
Từ những câu chuyện có thật, từ sự trùng hợp đến kỳ lạ, khó lý giải, các nhà khoa học trên thế giới sớm khẳng định sự tồn tại của chức năng thần giao cách cảm ở con người. Một câu chuyện khá nổi tiếng về chức năng này được kể lại từ giấc mơ lạ kỳ của người góa phụ trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, vào thời điểm các binh lính chết trên chiến trận nhiều vô kể. Người góa phụ kể rằng: “Chồng tôi được gọi nhập ngũ và đưa ra nước ngoài vào tháng 12/1941. Một đêm đang nằm trằn trọc, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa, rồi tiếng chìa khóa tra vào ổ cửa phòng. Thoáng sau, chồng tôi đứng cạnh giường, nhìn tôi, hôn má tôi, nắm tay tôi rồi biến mất. Mãi đến năm 1945, tôi mới nhận được giấy báo tử: chồng tôi chết tại trại tù binh chiến tranh ở Viễn Đông vào tháng 2/1942. Đó cũng là thời điểm tôi mơ thấy giấc mơ kỳ lạ ấy”.
Khi tiến hành những thí nghiệm nghiêm túc, các nhà khoa học cho rằng, giữa những người thân thích như mẹ-con, bạn thân, “sợi dây” thần giao cách cảm vô hình được thiết lập từ lúc nào. Như cặp chị em 32 tuổi nhà Eller (năm 1962) cùng được đưa vào bệnh viện tâm thần tại Bắc Carolina, Mỹ với chuẩn đoán tâm thần phân liệt. Bất chấp sự phản đối dữ dội của hai người, bệnh viện bố trí họ ở hai trại khác nhau. Điều đáng tiếc đã xảy ra: cả hai cùng chết một lúc ngay đêm đầu tiên bị tách nhau. Tư thế của hai người co quắp như bào thai trong bụng mẹ, còn nguyên nhân tử vong vẫn là điều bí ẩn.
Hay, câu chuyện về một cậu bé 10 tuổi khám phá là mình có thể “nói chuyện bằng mắt” với người bạn thân nhất gần nhà. Sau khi cha mẹ cậu bé chuyển nhà đến chỗ khác, cậu thức giấc vào một buổi sớm vì đầu đau kinh khủng. Cùng thời điểm đó, một chiếc xe tải đã cán chết người bạn thân của cậu.
Tháng 8/2000, bệnh viện Sklifosovski sau một vụ nổ bom khủng bố tại quảng trường Puskin, Matxcơva (Nga) đã đón một nữ nạn nhân bị vô số vết bỏng trên người. Khi người chị sinh đôi đến thăm em, các nhân viên vô cùng sửng sốt nhận thấy trên cơ thể khỏe mạnh của cô cũng có những vết bỏng. Mặc dù không hề nghĩ đến hiện tượng này, người chị đã nhận một phần đau đớn từ em và các nhà khoa học cho rằng đây là một ví dụ về hiện tượng thần giao cách cảm.
Ngành nghiên cứu ngoại cảm
Trước nhiều bằng chứng đáng chú ý của ngoại cảm, người ta bắt đầu mở hẳn một ngành nghiên cứu lĩnh vực này. Nga, Mỹ, Anh là những nước đi tiên phong trong việc tiến hành thí nghiệm khoa học để chứng minh những hiện tượng bí ẩn của con người. Nhiều nhà khoa học phương Tây đã nghiên cứu về khả năng đặc biệt này của con người từ những năm 1882.
Công trình nghiên cứu “truyền ý nghĩ” sơ khai và nổi tiếng nhất là thí nghiệm của tiến sĩ Henry Sidgwick cùng vợ (bà Eleanor Sidgwick) tiến hành tại Brighton vào những năm 1889 – 1891. Trong thí nghiệm này, những người cảm thụ bị thôi miên. Người ta yêu cầu họ tưởng tượng trên các thẻ trống một hình ảnh hoặc tranh vẽ được chọn bởi người “phát ra ý nghĩ” và đang cố gắng truyền thông điệp tới họ. Người phát ra ý nghĩ chọn một trong các tấm thẻ đánh số từ 10 đến 90 và người cảm thụ sẽ đọc to những số mà người kia chọn. Họ đã đưa ra kết quả đúng một cách kinh ngạc.
Kết quả từ các thí nghiệm tại Trung tâm y khoa Mamonides, New York, cũng là bằng chứng khó bác bỏ của thần giao cách cảm khi mơ. Người ta tiến hành kiểm tra khả năng ngoại cảm thông dụng bằng thí nghiệm đoán thẻ hình. Thí nghiệm được tiến hành lần đầu tiên tại trường Đại học Duke, bang Bắc Carolina, Mỹ vào những năm 1930 với 25 thẻ hình, bao gồm 5 biểu tượng: ngôi sao, chữ thập, hình vuông, hình tròn, đường gợn sóng.
Theo quy luật xác suất, kỳ vọng xác suất chuẩn là 1/5, tức là đoán trúng một thẻ trong 5 lần thử nghiệm. Một khi tỷ lệ thành công của đối tượng thí nghiệm vượt trên kỳ vọng thì sẽ xem xét khả năng ngoại cảm của họ. Các nhà siêu tâm lý học chỉ xem đó là bằng chứng ngoại cảm khi tỉ lệ “đoán thẻ hình” thành công trên 90%.
Một thời gian sau, Cơ quan tình báo Mỹ-CIA cũng tiến hành nghiên cứu ngoại cảm trong một dự án từ năm 1937-1975 tại viện nghiên cứu Stanford. Mỹ cũng cung cấp ngân quỹ cho nhiều thí nghiệm như truyền về địa điểm của tàu ngầm Liên Xô, vị trí các khu quân sự.
Việc nghiên cứu tiềm lực của ngoại cảm vẫn tiếp tục tại các siêu cường và cả ở Israel. Sau này, ngoại cảm trở thành một công cụ tình báo quan trọng của nhiều cơ quan, mật vụ trên thế giới.
Theo Kien Thuc