Cho tới tận ngày nay, Titanic vẫn luôn thách thức giới điều tra. Mới đây, một nhóm chuyên gia “Titanic học” tuyên bố đã giải mã được một trong những bí ẩn lớn cuối cùng về con tàu chở khách xấu số hơn một thế kỷ sau tai nạn thảm khốc.
Những bí ẩn lớn cuối cùng về thảm họa Titanic
Mạo nhận người thân
Một nhóm chuyên gia “Titanic học” vừa giải mã được một trong những bí ẩn lớn cuối cùng về con tàu chở khách xấu số hơn 1 thế kỷ sau khi nó bị chìm. Họ chứng minh, câu chuyện về đứa con gái 2 tuổi của một cặp vợ chồng giàu có trên tàu Titanic sống sót sau khi thảm họa xảy ra, rốt cuộc chỉ là một trò mạo nhận.
Năm 1940, một phụ nữ có tên Helen Kramer đột nhiên xuất hiện và tuyên bố mình là Loraine Allison, cô con gái 2 tuổi đã có mặt trên tàu chở khách hạng sang Titanic năm 1912 cùng bố mẹ – Hudson và Bess Allison – và cậu em trai 7 tháng tuổi Trevor. Vào thời điểm đó, Hudson Allison là một chủ hãng buôn người Canada và gia đình ông đang đi du lịch với sự tháp tùng của một đám đông đầy tớ.
Khi tàu Titanic đâm vào tảng băng định mệnh, bé Trevor, lúc đó không ở cùng gia đình, đã được vú nuôi Alice Cleaver đưa lên xuồng cứu hộ và cả hai đều sống sót. Vợ chồng ông Hudson và cô chị Loraine được tin là đã thiệt mạng trong khi tìm kiếm Trevor và bỏ qua cơ hội được giải cứu. Trevor sau đó cũng bị chết vì ngộ độc thực phẩm vào năm 1929.
Tàu chở khách hạng sang Titanic của Anh đã đâm vào một tảng băng khổng lồ ở Đại Tây Dương và bị chìm vào ngày 14/4/1912, gây ra một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại. (Ảnh: Corbis)
Quay trở lại với người tự xưng là Loraine Allison, cô Kramer đã mở một chiến dịch vận động dai dẳng để được các thành viên còn sống sót của gia đình Allison giàu có chấp nhận. Tuy nhiên, cô đã vấp phải sự bác bỏ thẳng thừng. Tranh chấp đáng lẽ đã kết thúc năm 1992 khi Kramer qua đời, nhưng nó đã được làm sống dậy đúng dịp kỷ niệm 100 năm thảm họa chìm tàu năm 2012 khi cháu gái của Kramer – Debrina Woods đến từ Florida (Mỹ) tái khẳng định lại tuyên bố của bà trong hàng loạt diễn đàn về Titanic.
Cô Woods lập hẳn một trang web nhằm khuyếch trương tuyên bố của mình và thậm chí đã lên kế hoạch viết một cuốn sách về câu chuyện của bà. Cô nói đã tìm thấy một chiếc va li của bà, chứa đầy các tài liệu liên quan đến vụ việc của gia đình. Nếu tuyên bố của Woods được công nhận là đúng, cô sẽ có quyền được thừa kế nhiều gia sản của gia đình Allison.
Cô Woods đã cố liên lạc với gia đình Allison và sắp xếp một cuộc viếng thăm, buộc gia đình này phải nhờ luật sư can thiệp, ngăn cản cô. Nhà chức trách Canada sau đó cũng ra lệnh cho cô Woods ngưng rải tro của bà ở vùng đất của gia đình Allison ở Chesterville, Ontario. Gia đình Allison cũng áp dụng thêm các biện pháp siết chặt an ninh sau khi cô ghé thăm nơi này.
Tranh cãi đã dẫn tới việc thành lập Dự án nhận dạng Loraine Allison, do Tracy Oost, chuyên gia pháp lý thuộc Đại học Laurentian (Canada) và là nhà nghiên cứu thảm họa Titanic, khởi xướng. Bà Oost và một số chuyên gia “Titanic học” khác đã yêu cầu cả 2 bên tham gia một cuộc soi kiểm tra ADN ti thể, vốn được di truyền qua đường mẹ.
Sally Kirkelie, chắt của mẹ Loraine, đã đồng ý tham gia. Woods từ chối, nhưng người chị cùng mẹ khác cha của cô là Deanne Jennings, người có cùng mối liên hệ với Helen Kramer, chấp nhận kiểm tra ADN.
Kết quả kiểm tra hé lộ không có mối liên hệ nào về mặt di truyền giữa Kramer hay Woods với gia đình Allison. Điều này đã mang tới những bằng chứng xác thực nghi ngờ lâu nay của gia đình Allison là sự thật, giúp phanh phui bí ẩn kéo dài hàng thập niên qua rốt cuộc chỉ là trò mạo nhận.
Vụ việc đã gợi nhớ tới một tuyên bố giả mạo tương tự của Anna Anderson, người tự nhận là Anastasia, con gái út của Sa hoàng Nga Nicholas II (vị vua đã bị những người Bolshevik xử tử năm 1918). Sau khi bà Anderson qua đời, nghiên cứu ADN chứng minh không có mối liên hệ di truyền nào giữa bà với gia đình sa hoàng Nga.
Vị cứu tinh thầm lặng
Nhiều nghiên cứu về thảm họa hàng hải Titanic được tiến hành trong vài năm qua tiết lộ về nhân vật bá tước phu nhân Rothes – người phụ nữ rất đặc biệt trong vụ chìm tàu Titanic. Khi Titanic va vào tảng băng, thậm chí người hiểu rất rõ về biển và tàu như bà cũng không lường trước mức độ nghiêm trọng của sự việc. Bà rời phòng, leo lên boong tàu chỉ để ngắm băng trôi. Cũng như các hành khách khác, bá tước phu nhân tin tưởng tuyệt đối vào lời đánh giá Titanic là “con tàu không thể đắm”. Bà chỉ nghĩ đến hai cậu con trai đang an toàn ở nhà và cầu Chúa phù hộ để có thể gặp lại các con.
Diễn biến bất ngờ buộc nhân viên trên Titanic sắp xếp để tất cả phụ nữ và trẻ em xuống thuyền cứu hộ trong khi đàn ông phải ở lại tàu. Bà xuống thuyền số 8. Viên thủy thủ phụ trách thuyền khi ấy nói rằng người phụ nữ này rất bình tĩnh khi nói chuyện với người khác, mạnh mẽ như một người đàn ông, hơn bất cứ ai trên thuyền. Bà lên thuyền cứu hộ vào lúc 1h sáng và trong suốt đêm dài đằng đẵng, lạnh lẽo và kinh hoàng, nữ phu nhân vẫn kiên trì điều khiển thuyền, rồi hết mực an ủi những phụ nữ sắp quẫn trí.
Một cuộc tranh cãi nổ ra kịch liệt trên thuyền số 8 khi các hành khách chứng kiến ánh sáng phát ra từ Titanic và cảnh con tàu chìm dần xuống biển. Những người trên thuyền số 8 tranh cãi gay gắt liệu họ có nên quay trở lại, vớt thêm những hành khách vừa rơi vào nước biển băng giá hay không. Nhiều người lo sợ thuyền sẽ lật khi các nạn nhân cố leo lên hoặc lực hút từ con tàu đang đắm sẽ kéo nó chìm xuống. Nữ bá tước cố thuyết phục những người khác quay lại vì thuyền của họ vẫn còn chỗ trống. Tuy nhiên, số người phản đối đông hơn nên cuối cùng, thuyền cứu hộ số 8 không quay lại.
Tiếng thét kinh hoàng của các nạn nhân luôn ám ảnh bà Rothes trong thời gian dài. Nhưng tại thời điểm đó, khi tiếng kêu cứu ngập tràn bên tai, bà vẫn cố gắng trấn an những hành khách trên thuyền. Bà an ủi người phụ nữ trẻ đang run sợ, đảm bảo với cô ấy tàu vẫn còn thuyền cứu hộ; dạy mọi người cách dùng mái chèo và thay phiên nhau đưa thuyền qua các tảng băng khổng lồ trong màn đêm tĩnh lặng. Bà may quần áo từ chăn, phiên dịch giúp họ, tìm thuốc men và thực phẩm cho người khác mà không hề tính toán cho bản thân. Người phụ nữ ấy tự hỏi: liệu đây có phải là đêm cuối của cuộc đời mình trên cõi đời này?
Cuối cùng, ngay trước bình minh, khi thậm chí nữ bá tước cũng từ bỏ hy vọng, bà phát hiện một tia sáng ở cuối chân trời. Khi tia sáng thứ hai lóe lên, phu nhân bá tước biết họ đã gặp một con tàu khác. Đó là ánh sáng từ tàu RMS Carpathia. Đoàn người nỗ lực chèo về phía con tàu. Họ ngừng hát và bắt đầu cầu nguyện. Thủy thủ trên Carpathia gọi bà là “bá tước phu nhân nhỏ can đảm” vì bà đã rất dũng cảm trong quá trình chèo lái thuyền cứu hộ và hết lòng giúp đỡ các hành khách đang hoảng loạn đến cùng cực.
Lỗi của tự nhiên?
Có một sự thật không thể phủ nhận rằng Titanic đắm vì va phải tảng băng trôi. Nhưng trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu vẫn nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân thực sự. Ngay sau thảm họa, các cuộc điều tra từ phía Anh và Mỹ đều kết luận con tàu đã chạy quá nhanh. Nếu nó di chuyển với tốc độ chậm hơn, vụ tai nạn sẽ không nghiêm trọng như vậy. Thậm chí Titanic hoàn toàn có thể tránh các tảng băng. Trong trường hợp đó, vụ va chạm chỉ phá vỡ 6 khoang thuyền, tàu vẫn có thể nổi trên mặt nước. Nhiều ý kiến cho rằng tàu có thể tránh vụ va chạm nếu người cầm lái khi ấy không hoảng sợ và rẽ sai hướng. Có khả năng sự thật bị che giấu trước các nhà điều tra để bảo vệ danh tiếng của công ty White Star Line và các đồng nghiệp.
Mọi đồn đoán cứ dồn vào Edward John Smith, thuyền trưởng tàu Titanic. Nhiều người thậm chí tin rằng ông đã cứu sống một đứa bé trước khi bị chìm xuống Đại Tây Dương. Tuy nhiên, một số người khác khẳng định hình tượng anh hùng này không có thật. Ông từng thi trượt trong bài kiểm tra kỹ năng điều hướng đầu tiên, dù cuối cùng ông cũng vượt qua kỳ thi vào năm 1888. Một số người tin rằng thất bại ban đầu của ông là một điềm xấu.
Thực tế, ông không những phớt lờ các cảnh báo về băng trôi, không điều chỉnh tốc độ tàu phù hợp mà còn cho phép thuyền cứu hộ rời tàu khi nó vẫn trống khoảng một nửa. Thuyền đầu tiên chỉ chở 27 hành khách trong khi tải trọng của nó lên đến 65 người. Ông cũng không đưa ra yêu cầu “rời tàu” một cách rõ ràng khiến hành khách không nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc lúc bấy giờ.
Nếu không xét tới yếu tố con người, thảm kịch Titanic có thể do thiên nhiên “dựng” kịch bản. Hai nhà thiên văn học thuộc đại học bang Texas (Mỹ) suy đoán siêu mặt trăng khiến các tảng băng chuyển động. Đây là hiện tượng hiếm, xảy ra khi mặt trăng ở gần trái đất nhất đúng vào kỳ trăng tròn. Tác động cộng hưởng từ mặt trăng và mặt trời gây ra những đợt sóng lớn bất thường. Hai nhà thiên văn học dùng yếu tố thiên văn để giải thích giả thuyết băng trôi xuất hiện với số lượng lớn trên hải trình của Titanic.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định nguyên nhân lớn nhất có lẽ xuất phát từ khúc xạ ánh sáng. Khi tàu bắt đầu chìm, các thủy thủ phát tín hiệu cầu cứu. Tàu California ở gần đó dường như phớt lờ mặc dù nhiều pháo sáng rực bầu trời đêm. Vào đêm định mệnh, Titanic tiến vào khu vực đảo nhiệt nơi tầng không khí lạnh nằm dưới một tầng không khí ấm hơn. Hiện tượng đảo nhiệt gây ra sự khúc xạ ánh sáng, có thể tạo ra ảo ảnh, khiến kíp trực trên tàu không phát hiện băng trôi kịp thời cũng như ảnh hưởng đến việc tàu California xác định chính xác tín hiệu cầu cứu…