Lịch sử nước hoa: Thơm nhưng phải khỏe!

Nếu bạn muốn mua lại chai nước hoa yêu thích nhất của mình, rất có thể, hương thơm sẽ không còn giống như trước nữa. Tất cả là bởi rất nhiều thành phần tạo nên những hương thơm này sẽ bị các cơ quan quản lý cấm sử dụng, tất nhiên là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
(Ảnh: theperfumegirl)
Một trong những hương thơm phổ biến nhất trong các loại nước hoa là mùi hương của loài rêu mọc trên gỗ cây sồi, với hương thơm đắng như mực, gợi nên liên tưởng của thảm rừng âm u. Hương thơm này rất khó có thể thay thế bằng các nguyên liệu khác trong các công thức nước hoa để tạo nên độ sâu và cảm giác sang trọng như nhung lụa huyền bí. Có thể nói, đây là thành phần không thể thiếu trong các loại nước hoa hương gỗ như dòng Mitsouko của Guerlain sản xuất từ năm 1919, hay tạo nên hương gỗ phảng phất trong Chanel No.5 huyền thoại, và không thể quên Miss Dior của Dior. Sẽ không phải là nói quá nếu cho rằng hương thơm này chính là “xương sống” cho tất cả những mùi hương nước hoa được yêu thích trong cả thế kỷ, thế nhưng, đến năm 2015 này, rất có thể hương thơm của loài rêu gỗ sồi này sẽ vĩnh viễn phải biến mất.
(Ảnh: thetimes)
Nguyên nhân là hai thành phần chính tạo chưng cất hương thơm từ rêu gỗ sồi là atranol và chloroatranol đang bị Ủy ban Châu Âu xem là một trong những chất có hại nhất đối với làn da của con người, gây ra dị ứng, tình trạng viêm da, gây mẩn ngứa và kích ứng. Những người nhạy cảm với các chất này sẽ có nguy cơ bị sốc ngộ độc kể cả khi họ không sử dụng các loại nước hoa chứa hai thành phần này, mà chỉ cần ngửi thấy hương nước hoa tại các môi trường công cộng như văn phòng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm v.v… là có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
(Ảnh: independent)
Chính vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, Ủy ban Châu Âu sẽ quyết tâm siết chặt việc nghiêm cấm hoàn toàn chất  atranol và chloroatranol ra khỏi các công thức nước hoa, bên cạnh đó còn cấm chất Lyral (hay HICC) – một chất thường được sử dụng để tạo hương hoa linh lan. Từ trước khi có lệnh cấm này, ngành công nghiệp nước hoa cũng đã tự nguyện tuân thủ khá nghiêm túc các quy định về thành phần của Hiệp hội Nước hoa Quốc tế (IFRA), nhưng giờ thì các điều khoản này sẽ trở thành Luật và phải tuân thủ tuyệt đối.
(Ảnh: abcnewsradioonline)
Đây là một thay đổi sẽ có ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp nước hoa, bởi lẽ rất nhiều các thương hiệu nước hoa lớn đều có trụ sở ở châu Âu. Ngành nước hoa sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi tại châu Âu đã có rất nhiều địa điểm cấm sử dụng nước hoa, ví dụ như các văn phòng, bệnh viện và trường học, không chỉ vì có nhiều người bị dị ứng nước hoa, mà nhiều người còn cho rằng họ đang bị tước đi quyền được hít thở bình thường vì không khí tràn ngập mùi nước hoa của người khác. Ngoài ra, trào lưu sử dụng đồ thiên nhiên, tẩy chay đồ hóa chất càng ngày càng phát triển mạnh, cũng góp phần thúc đẩy tính cấp thiết của lệnh cấm này để hạn chế các nguy cơ nhiễm độc từ hóa chất trong nước hoa.
(Ảnh: xovain)
Ngoài lệnh cấm chính thức 3 chất trên, Ủy ban Châu Âu còn đang đặt 20 chất khác vào danh sách “quan tâm đặc biệt” để tiếp tục nghiên cứu. Ủy ban Nghiên cứu khoa học vì Sức khỏe người tiêu dùng (SCCS) hiện đang yêu cầu cấm sử dụng khoảng hơn 10 loại chất nữa, ví dụ như  isoeugenol, coumarin and geraniol – đây chính là thành phần tạo nên hương thơm của hoa ngọc lan tây, đậu tonka, hoa hồng v.v… Trong “danh sách đen” này có thể coi là có tới 90% thành phần tạo nên một chai nước hoa được yêu thích. Chính vì thế, những quy định mới có thể khiến các công ty nước hoa phải thay đổi lại toàn bộ công thức của những loại nước hoa đã được nhiều thế hệ khách hàng yêu thích.
(Ảnh: bigcommerce)
Việc thay đổi để thích nghi với những quy định này tuy không phải là bất khả thi, nhưng cũng rất mất thời gian, công sức và đòi hỏi những chuyên gia mùi hương của các hãng nước hoa phải đầu tư tâm sức rất nhiều. Theo nhà sáng lập của hãng nước hoa Editions de Parfums, thay đổi mỗi công thức nước hoa để phù hợp với các lệnh cấm có thể mất đến khoảng 6 tháng thử nghiệm. Nhiều đại diện của các hãng nước hoa đã thể hiện sự bực bội, nản chí của mình khi các sản phẩm nước hoa – vốn được coi là thành quả nghệ thuật – phải chịu sự gò bó của quy định pháp luật. Chuyên gia nước hoa Kevin Verspoor – người đứng sau thành công của những chai nước hoa Victoria’s Secret, J.Lo và Odin đã phàn nàn rằng: “Chúng ta nên quan tâm đến khí thải từ hàng tỷ chiếc xe ô tô chạy mỗi ngày chứ không phải săm soi vào những chai nước hoa. Thật là vô duyên khi những chai nước hoa mang cả tâm huyết nghệ thuật lại bị vứt bỏ chỉ vì nó bị coi là có hại cho con người.”
(Ảnh: newscientist)
Tuy nhiên, cũng có nhiều người yêu nước hoa cảm thấy khá lạc quan với các quy định mới này. Một số người sành nước hoa cho rằng đây là điều cần thiết để các hãng nước hoa có thêm động lực sáng tạo, tìm tòi ra những hương thơm mới thay vì chỉ sao chép mãi một công thức. Hiện tại, Tập đoạn L’Oréal – chủ của các dòng nước hoa Lancôme, Giorgio Armani, Yves Saint Laurent v.v… – đã tuyên bố sản phẩm của họ không hề chứa atranol hay chloroatranol, và sẽ nhanh chóng tìm ra chất để thay thế cho Lyral. Tương tự, Chanel cũng đã tuyên bố tuy việc thay đổi là khó khăn nhưng họ sẽ làm được: “Đó chính là nhiệm vụ của Phòng thí nghiệm Nước hoa Chanel, chúng tôi có những tài năng và những khứu giác nhạy bén nhất, hoàn toàn có thể vừa tuân thủ quy định mới vừa có thể bảo toàn được cá tính đặc trưng của mỗi loại nước hoa.”
Eve Nguyễn(Tổng hợp)

Một số mẹo làm đẹp khác bạn có thể tham khảo thêm:

Gàu nhiều trong mùa đông, hãy ghi nhớ công thức này!
Lịch sử nước hoa: Thơm nhưng phải khỏe!

 

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.