Bộ não con người có thể bị quá tải thông tin không?
Bộ não người thực sự là một điều kỳ diệu và vẫn mang trong mình vô vàn ẩn số mà các nhà khoa học muốn giải mã. Với nhiều người, dường như não bộ là một thư viện vô tận – khi mà bạn có thể lưu giữ vô vàn kiến thức cũng như kỷ niệm quý giá trong cuộc đời. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, bộ não của chúng ta liệu có bị “quá tải” hay đầy tràn ra không?
Câu trả lời là bộ não của ta khó có thể đầy bởi chúng phức tạp hơn ta tưởng. Nghiên cứu được công bố trên Nature Neuroscience đầu năm 2015 đã chỉ ra rằng, thay vì ngập tràn trong thông tin thì não đã biết lọc để loại bỏ những thông tin cũ, không cần thiết và thay thế bằng những ký ức mới được hình thành.
Từ những thí nghiệm thực tế…
Để đưa ra được kết luận trên, các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra hoạt động của não bộ khi những tình nguyện viên cố gắng ghi nhớ kỷ niệm của mình.
Theo đó, người tham gia nghiên cứu sẽ nhớ về một kỷ niệm thật cụ thể (bộ nhớ “mục tiêu”), đồng thời cố gắng nhớ tới một điều gì đó tương tự, có liên quan đến kỷ niệm đó (bộ nhớ “cạnh tranh”).
Các chuyên gia phát hiện ra rằng, khi nhớ về những kỷ niệm cụ thể, hoạt động của não bộ gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, những hoạt động của não bộ ở phần bộ nhớ “cạnh tranh” lại trở nên suy yếu hơn.
Sự thay đổi này rõ nét nhất là ở khu vực gần phía trước của não như vỏ não trước trán chứ không phải ở cấu trúc bộ nhớ chính ở giữa não – vùng hippocampus – vùng não liên quan đến bộ nhớ.
Vỏ não trước trán tham gia vào một loạt quá trình nhận thức phức tạp như lập kế hoạch, ra quyết định và thu hồi chọn lọc để ghi vào bộ nhớ.
Nghiên cứu sâu rộng hơn cho thấy, một phần của bộ não hoạt động kết hợp với vùng hippocampus sẽ giúp não “xuất/nhập” những kỷ niệm cụ thể.
Nếu coi hippocampus là công cụ tìm kiếm thì vỏ não trước trán là bộ lọc xác định để có thể đưa ra những chi tiết phù hợp, chính xác nhất.
Điều này cho thấy, việc lưu trữ thông tin không phải là điều kiện tiên quyết để có một trí nhớ tốt mà bộ não cũng cần những bộ phận hỗ trợ khác để truy cập thông tin liên quan mà không bị phân tâm bởi những mảng thông tin tương tự.
… Quên đi để nhớ nhiều hơn…
Trong cuộc sống hàng ngày, việc quên đi những kỷ niệm xấu, ký ức không tốt thực sự có lợi cho chúng ta. Hãy tưởng tượng, nếu bạn bị mất thẻ ngân hàng và đã làm lại chiếc thẻ mới, đi kèm với chiếc thẻ mới sẽ là một mật khẩu (mã pin) mới.
Đương nhiên, bạn sẽ phải dùng mật khẩu mới để truy cập và sử dụng chiếc thẻ của mình, lâu dần, bạn sẽ quên đi mã pin cũ. Quá trình này được các chuyên gia gọi là tiếp cận với thông tin mới có liên quan nhưng không bị kỷ niệm cũ can thiệp.
Khi ta nhận được thông tin mới, bộ não sẽ lưu trữ thông tin trong những tế bào thần kinh (neurons) và khớp kết nối (synapses) giữa các tế bào này với nhau.
Mỗi khái niệm trong não có thể được tượng trưng bằng một mạng kết nối khác nhau giữa các tế bào thần kinh. Sự hình thành kiến thức mới (learning) xảy ra khi các khớp kết nối giữa nhiều neurons trở nên mạnh hơn và liên kết giữa một cụm tế bào mới được hình thành.
Khi cần lấy thông tin, những thông tin bạn mong muốn và gần liên quan sẽ cùng được triệu tập. Bởi vậy, việc chỉ nhớ mà không loại bỏ những thông tin lỗi thời, không cần thiết sẽ khiến não bạn dễ “loạn” trong việc chọn lọc điều tiết, đưa ra thông tin cần thiết.
Phần lớn những nghiên cứu trước đây tập trung vào việc làm thế nào chúng ta học và ghi nhớ thông tin mới. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã chú trọng hơn đến việc những xúc tác giúp bạn quên, loại bỏ ký ức thừa và đánh giá tầm quan trọng của công việc này.
… và hệ lụy khi bạn nhớ tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời
Có một số ít người trên thế giới có khả năng nhớ mọi chi tiết trong cuộc sống. Nhiều người cho rằng, trí nhớ siêu phàm này sẽ giúp họ có được thật nhiều kiến thức nhưng sự thật là nó sẽ khiến bạn gặp nhiều phiền toái hơn trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia, việc bộ não làm việc không ngừng nghỉ và “bất lực” trong việc kiểm soát được việc ghi nhớ ký ức, được đặt tên là hội chứng hyperthymestic khiến bệnh nhân luôn ở trong trạng thái căng thẳng.
Lý do là bởi, câu nói “thời gian sẽ chữa lành vết thương” là không thể áp dụng, những kí ức đau thương không thể bị xóa nhòa trong tâm trí, chúng lúc nào cũng hiện hữu rõ mồn một như lúc ban đầu.
Cùng với đó, cảm giác sống liên tục trong quá khứ, bị ký ức không vui làm phiền sẽ khiến bệnh nhân trở nên u uất hơn. Hội chứng sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ chế khi não bị “quá tải” bởi thông tin tốt, xấu lẫn lộn mà không được sắp xếp hoàn chỉnh.
Theo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực não bộ, việc ghi nhớ và lãng quên là hai mặt của một đồng xu. Ở một khía cạnh nào đó, cách bộ não lãng quên chính là một cách giúp não phân loại kỷ niệm để có thể triệu tập những ký ức liên quan, sẵn sàng khi bạn cần sử dụng đến chúng. Và việc loại bỏ thông tin dư thừa là cơ chế an toàn giúp bộ não của chúng ta không bị quá tải.