Đã bao giờ bạn nhớ rất rõ về một sự việc đã xảy ra nhưng thực tế nó lại chưa từng tồn tại. Do trí nhớ bạn không tốt hay là một nguyên nhân huyền bí nào khác? Nếu thường xuyên trải qua hiện tượng này thì bạn nên gia nhập nhóm những người có chung trải nghiệm với bạn. Nhóm của những người tin vào hiệu ứng Mandela.
Hiệu ứng Mandela là một lý thuyết về thế giới song song dựa trên sự thật rằng có một nhóm rất nhiều người có cùng ký ức về các sự kiện trong quá khứ mặc dù những sự kiện đó chưa bao giờ xảy ra. Những người ủng hộ lý thuyết này cho rằng các thông tin mà nhiều người cùng nhận thức được có thể là thông tin đúng và có thể tồn tại một số lỗ hổng về thời gian trong quá khứ nơi mà dữ liệu trong thế giới song song đã trao đổi với thế giới của chúng ta.
Nghi vấn về một thế giới song song.
Hiệu ứng Mandela lần đầu tiên được miêu tả vào năm 2010 khi một blogger tên là Fiona Broome đã chia sẻ trải nghiệm của cô ấy với một nhóm cộng đồng online tên là Dragon Con. Đây là một cộng đồng online mà ở đó rất nhiều người cùng có ký ức về việc Nelson Mandela đã chết ở trong tù vào năm 1980.
“Tôi nghĩ rằng Nelson Mandela đã chết trong tù, tôi nhớ rất rõ về những phóng sự vào buổi sáng ngày hôm đó được chiếu trên tivi bao gồm các cuộc bạo loạn và bài phát biểu của vợ ông ấy nữa. Và rồi tôi nhận ra ông ấy vẫn còn sống” – Fiona cho biết.
Tên của hiện tượng này được đặt theo tên tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Ngoài ra blogger này còn chia sẻ về những ký ức kỳ lạ khác như là những tập phim Star Trek chưa bao giờ được chiếu hay về cái chết của mục sư Billy Graham.
Vào năm 2012, một blogger khác tên là Reece đã chia sẻ về một ký ức tương tự, lần này là về series truyện tranh The Berenstain Bear.“Khi tôi nhìn thấy bìa quyển truyện, thứ đã gắn liền với tuổi thơ tôi. Nhưng mọi người không đọc là Berenstein mà là Berenstain”, Reece cho biết.
Reece là một nhà vật lý và anh ấy đã tiến hành miêu tả lý thuyết vũ trụ mà theo đó có thể giải thích được hiệu ứng Mandela dựa trên không gian 4 chiều. Reece đề xuất rằng vũ trụ có cấu trúc 4 chiều phức tạp và trong đó gồm có 3 chiều không gian và một chiều thời gian hay có thể viết dưới dạng a+i.b với phần thực và phần ảo. Với không gian 4 chiều ta có 16 góc phần tư, trong đó 3 chiều không gian là thật còn 1 chiều thời gian là ảo.
Bộ truyện gấu Berenstain nổi tiếng.
Cả hai câu chuyện của Fiona và Reece đều nhận được hàng trăm bình luận đồng tình. Hiệu ứng Mandela đã nhận được sự chú ý của giới truyền thông lần đầu tiên vào năm 2014 bởi Buzzfeed và sau đó là nhiều tạp chí, báo đài khác. Chủ đề liên quan đến hiệu ứng Mandela được rất nhiều người quan tâm và tạo thành một cộng đồng nơi mà mọi người từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ những trải nghiệm của bản thân.
Ngoài chủ đề về cái chết của Nelson Mandela vào năm 1980 thì đề tài phát âm sai tên chú gấu Berenstain cũng được bàn luận rất sôi nổi.
Liệu có tồn tại một thế giới song song với chúng ta như nhiều người tưởng tượng hay không?
Gấu Berenstain là một bộ truyện tranh nổi tiếng vào thập niên 1960 và rất được yêu thích ở Mỹ. Bộ truyện đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, phim truyền hình, thậm chí là trò chơi điện tử. Tuy nhiên tranh cãi nổ ra khi nhiều người cho rằng trong trí nhớ của họ tên đúng của bộ truyện phải là Berenstein chứ không phải Berenstain. Rất nhiều người tin rằng đã có sự thay đổi của lịch sử bởi một thế giới song song với chúng ta vì họ tin chắc rằng tên chính xác phải là Berenstein với E chứ không phải Berenstain với A.
Hiện nay có một tổ chức được thành lập để cùng chia sẻ những trải nghiệm về hiệu ứng Mandela trên khắp thế giới nhằm minh chứng cho việc tồn tại một thế giới song song với chúng ta chính là nguyên nhân cho những lỗ hổng về ký ức đang gây tranh cãi.
Theo khampha