Thông qua các loại mùi trong chất thải của mình, loài linh cẩu giao tiếp với đồng loại giống như chức năng mạng xã hội Facebook của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Michigan, Mỹ vừa cho biết loài linh cẩu giao tiếp với nhau thông qua các loại vi khuẩn được tìm thấy trong phân của mình giống như chức năng của mạng xã hội Facebook mà chúng ta thường sử dụng.
Các nhà nghiên cứu trên đã nghiên cứu các loại vi khuẩn gây mùi có trong phân của loài linh cẩu được chúng “rải” lên các gốc cây hoặc bụi cỏ.
Họ phát hiện ra rằng, những chất thải này có chứa các vi khuẩn “thân thiện” phá ra những mùi có ý nghĩa như những “thông điệp” mà chủ nhân của nó muốn phát ra với những con linh cẩu khác.
Loài linh cẩu giao tiếp với nhau thông qua các mùi khác nhau. (Ảnh: abcnews)
Ông Kevin Theis, nhà nghiên cứu tại đại học Michigan cho biết: “Những tín hiệu bằng thứ mùi chua chua này chứa đựng vô số thông tin mà những con linh cẩu khác có thể tiếp nhận được. Linh cẩu có thể để lại một tin nhắn nhanh rất cụ thể trước khi rời đi. Nó giống như một bảng tin về những sự hiện diện và hoạt động của các đồng loại xung quanh”.
Ông Theis nói: “Mùi chất thải của chúng giống như bảng tin, và các loài vi khuẩn là thứ mực viết nên những thông tin trên bảng tin đó. Không có thứ mực này, linh cẩu sẽ không thể cung cấp nhiều thông tin cho đồng loại”.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích cấu trúc phân tử của các loài vi khuẩn sống trong chất thải của các loài linh cẩu đốm và linh cẩu sọc ở Kenya và phát hiện ra rằng các vi khuẩn này phong phú hơn họ tưởng rất nhiều.
Các loài vi khuẩn khác nhau cung cấp những thông tin khác nhau, thể hiện mức độ mong muốn kết bạn của từng con linh cẩu, và mùi của chúng thể hiện khả năng sinh sản. Mỗi loài vi khuẩn đều có mùi riêng của chúng, bởi vậy chúng có một thứ “văn hóa vi khuẩn” đặc trưng bên trong chất thải của linh cẩu.
Ông Theis nhận xét: “Trước đây đã có khoảng 15 nghiên cứu về vấn đề này nhưng phương pháp nghiên cứu truyền thống của chúng chưa làm nổi bật được các đặc trưng của từng loại vi khuẩn”.
Ông tuyên bố: “Hiện tôi cần phải quay lại thực địa để kiểm tra những dự đoán do nghiên cứu này đưa ra. Trong bước tiếp theo, chúng tôi sẽ phải phân tích cộng đồng vi khuẩn bên trong chất thải của linh cẩu để kiểm tra khả năng thay đổi mùi của chúng”.
Theo Khampha