Linh hồn ma quỷ “chết trôi” trong văn hóa Nhật Bản

Linh hồn ma quỷ

Đây là một trong những linh hồn ma quỷ khiến người dân Nhật Bản vô cùng khiếp hãi…

Funayūrei là một loài ma quỷ kì lạ trong văn hóa Nhật Bản, nó không chỉ đơn giản tồn tại trong các câu chuyện dân gian mà còn xuất hiện trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Ma chết chìm biết trả thù

Trong văn hóa dân gian của người Nhật, Funayūrei được cho là những linh hồn của những người chết đuối trong vụ đắm tàu. Vì quá oan ức nên họ quyết ở lại nhân gian với mục đích tạo ra nhiều người chết như mình.

Mỗi địa phương ở Nhật Bản lại có cách mô tả về Funayūrei khác nhau. Có vùng, chúng được mô tả là những bóng ma lướt trên mặt biển, nơi khác lại cho rằng, Funayūrei chính là thủy thủ trên một chiếc tàu ma, có khu vực lại nói về Funayūrei như ma quỷ ở trên sông hay đầm lầy.


Ở mỗi địa phương lại có những mô tả khác nhau về hình dáng của Funayūrei

Funayūrei thường xuất hiện trong đêm trăng tròn hay vào ngày mưa gió bão bùng. Khi chúng xuất hiện thường mang theo tiếng kêu ai oán và những ánh sáng kì lạ. Cách phổ biến nhất mà Funayūrei sử dụng để làm đắm các con thuyền là lại gần và hỏi mượn thủy thủ đoàn một chiếc thùng múc nước.

Nếu thủy thủ đoàn dại dột ném chiếc thùng cho Funayūrei, chúng sẽ múc nước và đổ đầy lên chiếc tàu tội nghiệp với tốc độ kinh hoàng. Chẳng mấy chốc, chiếc thuyền nhanh chóng đầy nước và chìm xuống đáy biển sâu. Cách để thoát khỏi sự tấn công ghê rợn này của Funayūrei là ném nắm cơm xuống biển hoặc đưa cho Funayūrei một cái thùng không đáy.

Một số địa phương còn mô tả Funayūrei như những ma quỷ vô cùng khôn ngoan. Vào các buổi tối nhiều sương mù, Funayūrei tìm cách lái những con tàu đâm vào vách đá, hoặc không, tự chúng biến thành một chiếc thuyền lao về phía thuyền của nạn nhân. Những người yếu tim sẽ giật mình, cố gắng tránh nhưng lại vô tình lao vào một rạn san hô nguy hiểm.

Ngoài ra, trong một số tài liệu đề cập, Funayūrei đốt lửa trên vùng biển nhiều đá ngầm để gây hiểu lầm cho các con thuyền. Các ngư dân sẽ nhầm tưởng phía trước là đất liền và lái thuyền đi vào vùng biển nguy hiểm đó.


Funayūrei thường hỏi xin một chiếc thùng rồi dùng nó làm vũ khí nhấn chìm cả một con tàu

Funayūrei hung hãn như vậy nên ngư dân Nhật Bản rất sợ con ma này. Họ nghĩ ra các tục lệ để tránh, hay cầu xin bọn ma ác độc này bỏ qua. Ngư dân một số vùng còn quan niệm, sương mù chính là dấu hiệu của Funayūrei, vào những ngày quá mịt mù họ sẽ ở nhà, hay thay đổi lộ trình theo hướng an toàn hơn.

Nếu đang trên biển khơi mà gặp thời tiết xấu, các ngư dân sẽ thắp hương, làm lễ, ném xuống biển gạo cúng, tiền giấy… để “hối lộ” các Funayūrei. Mỗi vùng, người ta còn có thêm những quy định về lễ vật ném xuống biển cho Funayūrei. Ở tỉnh Kochi, lễ vật sẽ là tàn hương và 49 chiếc bánh gạo, những nơi khác là đậu, tại Nagasaki là thảm dệt, tro và củi đốt.

Những lần xuất hiện trong lịch sử của Funayūrei

Không chỉ là một con ma trong các câu chuyện dân gian, Funayūrei còn xuất hiện trong câu chuyện được ghi chép trong các tài liệu lịch sử khiến người nghe phải rùng mình.


Nhưng tất cả có điểm chung mô tả Funayūrei là do những người chết oan trên biển hóa thành

Vào năm 1185, sau trận thủy chiến Dan-No-Ura khiến gia tộc Taira bị tận diệt, những người đi qua vịnh Shimonoseki lại nghe thấy những âm thanh ai oán.

Một số các ngư dân thường gặp hình ảnh người mang giáp sắt bơi trên biển và luôn miệng kêu to: “Cho tôi mượn chiếc thùng”.

Người dân vô cùng sợ hãi, họ không dám đi qua vùng biển này hay nếu có đi cũng mang trên thuyền nhiều lễ vật. Sự hỗn loạn chỉ chấm dứt khi xuất hiện một nhà sư dùng phép để siêu thoát cho các linh hồn binh sĩ trên vịnh Shimonoseki.

Năm 1954, một vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng ở Nhật Bản đã xảy ra với con tàu Toya Maru. Khi xem xét chiếc thuyền gặp nạn, các chuyên gia phát hiện nhiều vết hình bàn tay lạ trên cánh quạt.

Từ đây, những tin đồn kể về việc các nạn nhân trong vụ tai nạn đã biến thành Funayūrei và cào móng vuốt vào cánh quạt. Một thời gian ngắn sau ở Hokkaido xuất hiện tin đồn, vào lúc nửa đêm, một phụ nữ sẽ xuất hiện bên bờ biển, toàn thân ẩm ướt và miệng luôn lầm bầm chữ “Toya Maru”.


Funayūrei rất tàn ác nên những người đi biển thường đem theo vật lễ để xin chúng tha cho mình

Ngoài ra, trong năm 1969, ở vùng biển trong tỉnh Kanagawa, không ít người đã quan sát thấy một vài người có làn da màu trắng bơi lội trong đêm ở vùng biển ven bờ.

Nhiều ngư dân khi đi tàu đã nghe thấy một giọng nói rùng rợn “Hãy cho tôi một cái thùng”. Đáng sợ hơn, cách đó không lâu, một chiếc du thuyền đã bị chìm và làm chết đuối nhiều người vô tội.

Tất nhiên, bí ẩn về các sinh vật được cho là “hồn ma” này vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có bằng chứng nghiên cứu nào cho thấy đây là ma quỷ, hơn chỉ đơn giản là tai nạn do chính con người gây ra.

 

Theo PLXH