Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang kết hợp với Công ty Boeing trong kế hoạch sản xuất tàu vũ trụ mới có thể đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, thậm chí có thể dùng làm trạm không gian cá nhân và tàu vận tải vũ trụ quỹ đạo thấp loại mới trong tương lai.
Hình ảnh tàu vũ trụ CST-100. Ảnh: Boeing.
Mẫu thiết kế tàu vận tải vũ trụ CST-100 (Crew Space Transportation-100) được Boeing trưng bày tại Triển lãm Hàng không Quốc tế diễn ra tại Anh hôm 19/7 vừa qua. Con số 100 trong tên gọi của mẫu tàu mới này được Công ty Boeing giải thích là cự ly 100 km từ mặt đất đến quỹ đạo thấp. Điều này có nghĩa là CST-100 được thiết kế nhằm thực hiện những nhiệm vụ vận chuyển không gian đường ngắn và gần mặt đất.
Theo giới thiệu của hãng Boeing thì CST-100 có kích thước lớn hơn tàu Apollo nhưng nhỏ hơn so với tàu Orion, có thể phóng bằng nhiều loại tên lửa khác nhau và có thể chở theo 7 phi hành gia.
Được biết, vào năm 2011 tới đây, sau khi hệ thống tàu con thoi của Mỹ ngừng hoạt động thì con đường duy nhất để người Mỹ có thể lên Trạm Vũ trụ Quốc tế cũng như quỹ đạo thấp là “mua vé” tàu Soyuz (Liên Hiệp) của Nga. Tuy nhiên, “giá vé” của tàu Soyuz lại không hề rẻ chút nào (Mỗi vị trí trên tàu Soyuz có thể lên đến 5.000 USD).
Tàu CST-100 có thể chở được 7 phi hành gia. Ảnh: Boeing.
Trong bối cảnh đó, kế hoạch sản xuất loại tàu vận tải như CST-100 ở mức độ nào đó sẽ giúp Mỹ giảm thiểu được sự phụ thuộc khả năng vận tải của tàu Soyuz. Đồng thời, nó sẽ là cơ sở sản xuất tàu vận tải vũ trụ kỹ thuật cao trong tương lai.
Được biết, tàu CST-100 là một bộ phận trong kế hoạch phát triển hệ thống vận tải thương mại không gian giữa Boeing và NASA với tổng số vốn đầu tư lên đến 18 triệu USD. Kế hoạch phát triển hệ thống vận tải thương mại không gian do đương kim tổng thống Mỹ B. Obama đề ra.
Chính phủ của ông Obama cũng đã đặt ra nguồn ngân sách nhằm đẩy mạnh hệ thống vận tải vũ trụ với mục đích thương mại và thúc đẩy những phát triển về mặt kỹ thuật đối với loại hình tàu vũ trụ vận tải.
Nguồn: Space Travel
Theo VietNamNet