Các nhà khoa học lo ngại rằng loài ốc sên xâm lấn sinh sản nhanh được phát hiện ở hồ Michigan có thể ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái khu vực này. Loài ốc sên New Zealand sống dưới bùn gia nhập danh sách những loài không thuộc bản xứ du nhập vào hệ thống Hồ Lớn, đe dọa sẽ phá vỡ chuỗi thức ăn và thay đổi môi trường địa phương.
Các nhà khoa học kiểm tra mẫu nước của hồ Michigan mùa hè vừa qua đã tìm thấy loài ốc sên sống dưới bùn New Zealand, Trung tâm khảo sát lịch sử tự nhiên Illinois cho biết. Chúng chỉ phát triển đến kích cỡ khoảng vài milimét – vài chục con có thể nằm trên một đồng xu – khiến việc phát hiện chúng khá khó khăn.
Những con ốc sên sinh sản vô tính với số lượng lớn, chúng không có kẻ thù tự nhiên nào ở Bắc Mỹ, nhà khoa học Kevin Cummings làm việc cho Trung tâm khảo sát lịch sử tự nhiên, cho biết.
Điều đó có nghĩa ra chúng có thể nhanh chóng phát triển bành trướng, với mật độ đủ lớn để đánh bật các loài không xương sống trong cuộc cạnh tranh thức ăn và không gian sống.
Cummings phát biểu: “Rất khó để kiềm chế sự phát triển của một loài vật khi nó đã du nhập vào môi trường sống địa phương. Khi mỗi con ốc sen có khả năng sinh ra một lượng lớn phôi mà không cần đến bạn tình, chúng ta đang thực sự gặp phải một vấn đề nan giải”.
Loài ốc sên sống dưới bùn New Zealand chỉ phát triển đến kích cỡ khoảng vài milimét, vài chục con có thể nằm trên một đồng xu, do đó việc phát hiện chúng khá khó khăn. (Ảnh: calaverasriver) |
Rochelle Sturtevant, nhà sinh thái học thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường Hồ Lớn – Cơ quan hải dương học và khí quyển quốc gia tại Ann Arbor, Mich, cho biết các nhà khoa học không biết loài ốc sên bùn này sẽ phát triển mạnh mẽ như thế nào ở hồ Michigan, nhưng nó đã có mặt ở hồ Ontario từ đầu những năm 1990 và sinh sống với số lượng lớn ở đó cũng như các hồ Superior hay Erie.
Loài ốc sên bắt nguồn từ New Zealand nhưng hiện được phát hiện ở một số bang miền Tây và ở tất cả các Hồ Lớn trừ hồ Huron. Chúng di chuyển theo những khoang chứa nước của tàu bè, và khi đã lọt vào hồ hoặc suối, chúng bám vào xuồng, thậm chí cả quần áo người.
Sturtevant cho biết: “Khi chúng lọt vào được những dòng suối ở miền Tây, chúng tạo ra rất nhiều vấn đề. Chúng chiếm không gian sống của các sinh vật bản địa”.
Ốc sên New Zealand phát triển với mật độ dày đặc. (Ảnh: calaverasriver) |
Rất nhiều các loài xâm lấn đã du nhập vào hệ thống Hồ Lớn. Loài trai vằn là mối đe dọa cho khu vực đánh bắt trị giá 4 tỉ đôla một năm, chúng ăn tảo, tầng thấp nhất trong chuỗi thức ăn của các hồ.
Một số loài xâm lấn lại tạo điều kiện sống cho các loài khác, Sturtevant cho biết. Cá bống, một loài cá hung hăng bắt nguồn từ Eurasia, phát triển mạnh ở các Hồ Lớn vì chúng ăn trai vằn.
Theo Sturtevant chúng chỉ là một số ít trong ít nhất 186 loài xâm lấn ở các hồ.
Các tổ chức môi trường đặc biệt lên án vai trò của tàu biển trong việc đưa những sinh vật như trai vào hệ thống các hồ.
Những tàu không chở hàng hóa thường lấy đầy những khoang chứa nước để có thi di chuyển ổn định trên biển, sau đó xả những khoang nước đó khi cập bến. Khoang nước thường mang theo một số loài, từ vi sinh vật đến trai và cá.
Lòng sông lốm đốm ốc sên New Zealand. (Ảnh: calaverasriver) |
Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã giới thiệu một kế hoạch trong mùa hè vừa qua; đó là yêu cầu tàu thuyền xả khoang chứa nước cách bờ 200 dặm. Tuy nhiên tàu thuyền chở hàng hóa được miễn.
Tuy thế các tổ chức môi trường lại chỉ trích kế hoạch của EPA.
Joel Brammeier, phó chủ tịch Liên minh hệ thống Hồ Lớn, cho biết: “Tôi có thể tóm tắt với ba từ: con số không. Kế hoạch này không thay đổi được điều gì”.
Ngành công nghiệp hàng hải, bao gồm Hiệp hội hàng hải Hồ Lớn, ủng hộ ý tưởng xử lý những khoang nước để loại bỏ các loài xâm lấn. Tuy nhiên một viên chức hàng hải cho biết trong khi việc xử lý nước vẫn đang được nghiên cứu, cho đến thời điểm này vẫn không có hình thức khả dĩ nào có thể thực hiện được ý tưởng.
Theo Trà Mi (PhysOrg)