Lò phản ứng hạt nhân cấp điện cho người định cư sao Hỏa

Lò phản ứng hạt nhân cấp điện cho người định cư sao Hỏa

Điện hạt nhân được NASA coi là giải pháp tốt nhất để cung cấp năng lượng cho những người đầu tiên định cư trên sao Hỏa.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lắp nhiều lò phản ứng hạt nhân phân hạch cao gần 2m trong dự án trị giá 14 triệu USD nhằm thử nghiệm nguồn cung cấp điện cho kế hoạch định cư trên sao Hỏa, Mirror ngày 3/7 đưa tin.

Lò phản ứng hạt nhân cấp điện cho người định cư sao Hỏa
Các lò phản ứng hạt nhân trên sao Hỏa. (Đồ họa: NASA).

Những cư dân đầu tiên trên sao Hỏa cần điện để tạo oxy, nước, ánh sáng, nhiệt độ và tiếp liệu cho phương tiện và thiết bị khoa học. Mỗi lò phản ứng tách đôi nguyên tử urani để tạo ra 10kw điện, đủ dùng cho hai người. Trong nghiên cứu năm 2008, NASA ước tính đoàn thám hiểm 8 người cần 40kw điện.

Đây không phải là lần đầu tiên NASA thử nghiệm các lò phản ứng hạt nhân trong vũ trụ. Những năm 1960, NASA phát triển máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG) trong chương trình SNAP. Thiết bị tự hành Curiosity đang thám hiểm sao Hỏa cũng dùng một RTG để tạo năng lượng.

Lắp đặt thành công nguồn điện sẽ là bước đi quan trọng trong tham vọng đưa con người lên sao Hỏa. Khoảng cách giữa sao Hỏa và Mặt Trời cùng các trận bão bụi trên hành tinh này biến lò phản ứng phân hạch thành giải pháp cung cấp năng lượng tốt hơn pin Mặt Trời.

 

Theo VnExpress