Khi hồ cạn nước, cá phổi châu Phi đào hang bùn làm kén ngủ suốt nhiều năm để đợi mùa mưa.
Không như phần lớn các loài cá gặp rắc rối lớn khi hồ cạn nước, cá phổi châu Phi có thể làm kén ngủ trong bùn để đợi mùa mưa trở lại suốt nhiều năm trời,Live Science ngày 31/7 đưa tin.
Loài cá này có phổi phối hợp với hoạt động của mang để hô hấp. Cá phổi cần không khí để thở ngay trong điều kiện bình thường, nên nếu bị giữ dưới nước đủ lâu, chúng có thể chết đuối.
Cá phổi châu Phi được lấy ra từ kén bùn. (Ảnh chụp từ clip).
Khi thời tiết hạn hán kéo dài làm cạn nước ao, hồ, cá phổi đào hang dưới bùn. Dịch nhầy do chúng tiết ra khô lại thành một chiếc kén để giữ ẩm cho cơ thể. Chiếc kén này đủ rộng để duy trì dòng không khí bao quanh, giúp phổi cá tiếp tục hút không khí và mạng lưới các mạch máu ở bong bóng lọc lấy oxy. Sự thích nghi này giúp cá phổi sống qua mùa hạn có thể kéo dài tới 4 năm.
Trong video được Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) chia sẻ hôm 27/7, một nhóm người Ghana bắt được cá phổi ngủ trong kén. Con vật vẫn sống khỏe mạnh dù không có nước trong một thời gian dài.
Theo nhà ngư học, tiến sĩ Prosanta Chakrabarty của NSF, khi cá phổi làm kén để tránh hạn, quá trình trao đổi chất của cơ thể giảm xuống như trong hiện tượng ngủ đông ở loài khác. Cả 4 loài cá phổi ở châu Phi đều có khả năng bọc cơ thể trong kén để không bị mất nước.
Có 6 loài cá phổi được tìm thấy ở châu Phi, Nam Mỹ và Australia. Hóa thạch cho thấy sinh vật này đã xuất hiện cách đây 400 triệu năm và được xem là tổ tiên chung của tất cả động vật bốn chân ngày nay.
Ngoài đặc điểm hô hấp trong không khí giống động vật trên cạn, cá phổi còn có khả năng di chuyển bằng bốn chân phụ mảnh trên cơ thể. Sự di chuyển của cá phổi dù sơ đẳng nhưng chỉ ra khả năng dạng vận động này đã tiến hóa từ dưới nước trước khi động vật hoàn toàn thích nghi với đời sống trên cạn.
Kén giúp cá phổi châu Phi chống chọi hạn hán đến 4 năm. (Video: Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ).
Theo VnExpress