Theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu biển từ Úc, nếu tình trạng axit hóa đại đương ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu, nhiều quần thể cá có thể bị mất phương hướng giữa đai dương rộng lớn.
Các nhà nghiên cứu đến từ ĐH. New South Wales (UNSW) đã phát hiện ra rằng, nếu tình trạng CO2 trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng lên, cá và nhiều loài động vật biển khác sẽ gặp phải hiện tượng “nhiễm độc” trước năm 2050 như nhiều dự đoán trước đó.
Theo Xinhua, hiện tượng nhiễm độc khí CO2 được dự đoán xảy ra ra khi nồng độ CO2 trong khí quyển vượt quá mức 650 phần triệu. Với nồng độ CO2 như vậy, loài cá sẽ phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiễm độc và mất phương hướng di chuyển trong đại dương.
CO2 ảnh hưởng đến não bộ của cá và khiến chúng mất cảm giác và khả năng định hướng trở về nơi trú ngụ của chúng.
Tiến sỹ Ben McNeil đến từ Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu của trường ĐH. New South Wales cho biết: “CO2 ảnh hưởng đến não bộ của cá và khiến chúng mất cảm giác và khả năng định hướng trở về nơi trú ngụ của chúng. Thậm chí, loài cá sẽ không biết vị trí của những kẻ săn mồi đang rình rập chúng”.
Kết luận nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Nature. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một cơ sở dữ liệu toàn cầu về nồng độ CO2 trong nước biển. Cơ sở dữ liệu này được thu thập bởi nhiều chương trình hải dương học khác nhau trong vòng 30 năm qua.
Tiến sỹ Tristan Sasse, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu sẽ cho phép chúng ta dự đoán về những dao động tự nhiên có thể bị khuếch đại lên tới gấp 10 lần tại một số khu vực đại dương vào cuối thế kỷ này nếu hàm lượng CO2 trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng”.
1/2 sinh vật biển sẽ bị ảnh hưởng bởi hàm lượng CO2 tăng cao vào năm 2100.
Kết quả cho thấy gần 1/2 sinh vật biển sẽ bị ảnh hưởng bởi hàm lượng CO2 tăng cao vào năm 2100. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng tới ngành thủy sản và hệ sinh thái biển trên khắp hành tinh.
Trong một nghiên cứu khác đến từ New Zealand cho biết, tình trạng axit hóa đại dương có mối quan hệ rất lớn đối với vấn đề mất phương hướng của loài cá. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Biology Letters.
Trang tin ABC của Úc cho biết, Axit hóa đại dương khiến mùi nước thay đổi cũng như làm ảnh hưởng tới âm thanh truyền đi dưới nước. Âm thanh là yếu tố quan trọng nhất giúp loài cá cũng như các sinh vật biển khác có thể xác định được hướng di chuyển.
Để hiểu rõ vấn đề axit hóa đại dương ảnh hưởng như thế nào đến các loài động vật biển, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sỹ Tulio Rossi đã tới khảo nghiệm tại một lỗ thoát khí CO2 gần đảo White ở New Zealand, nơi được dự đoán có mức độ axit hóa đại dương gần như tương đồng với những dự đoán tới cuối thế kỷ này.
Nồng độ CO2 cao làm thay đổi khá nhiều hành vi của ấu trùng cá.
Tiến sỹ Nagelkerken chia sẻ: “Phòng thí nghiệm tự nhiên này cho chúng tôi một cái nhìn gần hơn với tương lai. Chúng tôi ghi nhận những âm thanh phát ra từ lỗ thông hơi sau đó so sánh độ ồn và thành phần âm thanh đo được từ các địa điểm cách đó hàng trăm mét. Khi mức độ axit hóa tăng lên, rừng tảo bẹ có thể bị biến mất và thay vào đó là tảo turf. Điều này dẫn tới những thay đổi lớn về số lượng động vật biển phát ra âm thanh”.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy nồng độ CO2 cao làm thay đổi khá nhiều hành vi của ấu trùng cá. Axit hóa đại dương làm tăng kích thước của xương tai cá, qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng nghe và sóng âm, định hướng và cân bằng của cá.
Theo vnreview