(Ảnh: angelfire) |
Trên thảo nguyên Australia có một giống cây khổng lồ, cao trên 100m. Cây cao nhất tới 150m, còn cây cao hơn cây sam khổng lồ ở châu Mỹ 14m, tương đương với ngôi nhà 50 tầng, người ta thường gọi chúng là “tháp cao nhất trong thế giới thực vật”.
Tên thường gọi là Án hạnh nhân, họ Đào kim nương, sống ở vùng nửa khô hạn châu Đại dương. Thân cây thẳng tắp không có mấy chạc, vút lên cao nhỏ dần đi, tận chót vót trên ngọn mới có cành lá. Hình dạng như vậy có lợi trong việc tránh gió. Gốc cây cũng rất to, đường kính cây lớn nhất tới 10m, gần bằng bề rộng của một toà nhà cao tầng bình thường.
Rễ cây cũng ăn xuống đất rất sâu và rộng, để có thể hút được dinh dưỡng và chống đổ. Theo tính toán, một cây như vậy mỗi năm bốc hơi tới 175 tấn nước. Một số nước trồng nó ở trong đất đầm lầy để thay cho bơm hút nước.
Chúng ta vẫn thường nói “hóng mát dưới gốc cây”. Nhưng đối với án hạnh nhân thì không thể mong đợi được một bóng râm, vì lá của nó nhỏ dài và cong, lại mọc nằm nghiêng song song với tia nắng, tựa như rủ trên cành nắng đều dọi qua kẽ lá xuống đất.
Án hạnh nhân tuy cao to, nhưng hạt lại rất bé, mỗi hạt chỉ cỡ 1,1-0,2mm; phải 20 hạt mới bằng một hạt gạo. Nhưng nó mọc rất nhanh, là một trong những cây mọc nhanh nhất thế giới. Chỉ 5-6 năm đã cao hơn 10m, vòng ôm hơn 40cm.
Gỗ án hạnh nhân dùng để đóng tàu thuyền, làm cột điện rất tốt. Gỗ còn có thể chế biến ra đồ nhựa, lá có hương thơm đặc biệt, dùng để chế dầu khuynh diệp có tác dụng giải cảm, tiêu viêm, khỏi ngứa, kẹo khuynh diệp chữa ho.
Theo H.T (Bách khoa tri thức)