Loài cây tơ hồng ký sinh không có cái mũi nào nhưng nó lại biết cách ngửi ra con mồi của mình và tấn công các loài cây hoa màu như cà chua, cà rốt, hành, cam chanh, cỏ linh lăng và cả hoa.
Loài cây dại có hại này khiến những người nông dân luôn đau đầu bởi hoá chất để tiêu diệt nó cũng gây hại cho mùa màng mà nó xâm lấn. Vì vậy, phát hiện ra cách nó săn mồi cũng giúp tìm ra cách chặn đường đi của nó, hoặc giúp các loài cây tự vệ tốt hơn, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania cho biết.
Loài cây tơ hồng Châu Âu – Cuscuta europaea (Ảnh: bryologie.uni-bonn) |
Nhiều người cho rằng cây tơ hồng mọc một cách ngẫu hứng và bắt gặp cây nào thì tấn công cây ấy. Nhưng nhóm do nhà nghiên cứu Consuelo M. De Moraes đứng đầu đã tìm thấy nếu họ đặt một cây cà chua gần một cây tơ hồng đang nảy mầm, khả năng nó hướng đến cây cà chua là 80%. Và khi họ tạo ra mùi cà chua trên một miếng cao su, 73% khả năng cây tơ hồng cũng sẽ hướng tới đó.
“Một trong những điều thú vị là chúng tôi tìm thấy loài cây này cũng biết lựa chọn“, nhà nghiên cứu Mark C. Mescher bổ sung. Khi họ đặt cây tơ hồng giữa 2 sự lựa chọn: cà chua và lúa mì, nó thích cà chua hơn.
Cây tơ hồng sẽ xâm hại lúa mì nếu không còn sự lựa chọn nào khác, nhưng nhóm phát hiện thấy một trong những hoá chất do cây lúa mì tạo ra khiến cây tơ hồng chùn bước, vì vậy nó sẽ chọn cà chua nếu có thể.
Vì vậy, tìm ra hoá chất đẩy lùi loài ký sinh này sẽ dẫn tới cách giúp các loài cây chống đỡ được kẻ xâm hại.
Trong khi cây tơ hồng bị hấp dẫn bởi cà chua, chúng lại không hứng thú với cây cà chua giả, hay lọ đất ẩm hay nước màu xanh đỏ. Người ta vẫn chưa rõ làm thế nào chúng cảm nhận được những hoá chất do các loài cây chủ tạo ra. Khi hạt cây bắt đầu nảy mầm, nó thường chuyển theo các hướng khác nhau, tìm ra hướng mà mùi rõ nhất và phát triển theo hướng đó.
Cây tơ hồng là một trong 10 cây dại độc hại nhất do Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp hạng.
M.T.
Theo AP, Vnexpress