Loài chim này chỉ sống sở quốc đảo bí ẩn Papua New Guinea và là loài chim đầu tiên trên thế giới được phát hiện là có độc.
Khi nhắc tới các loài chim, chúng ta thường nghĩ tới sinh vật đẹp đẽ hiền lành với tiếng hót thánh thót. Thế nhưng ít ai biết rằng tại Papua New Guinea có nhiều loài chim có thể giết người bằng chất độc – và tốt nhất bạn không nên vuốt ve hay có ý định nuôi chúng.
Quốc đảo có nhiều loài chim độc
Là một quốc gia gần đường xích đạo và được bao phủ bởi diện tích rừng rậm nhiệt đới, hệ sinh thái của quốc đảo Papua New Guinea vô cùng đa dạng mà lại ít được khám phá nhất. Một phần cũng vì sự tách biệt của quốc đảo này với phần còn lại của thế giới.
Đầu những năm 1990, nhà điểu cầm học Jack Dumbacher đã vô tình phát hiện được loài chim có độc hooded pitohuis bằng chính trải nghiệm nhớ đời của mình. Phát hiện này cũng là khám phá khoa học đầu tiên ghi nhận về trường hợp loài chim có độc.
Chim có độc Pitohui. (Ảnh Science News for Students).
Vốn tới quốc đảo này để nghiên cứu loại chim nổi tiếng nhất – các loài chim thiên đường, thế nhưng khi bẫy chim anh lại bắt được những con Hooded Pitohuis và bị chúng cào, cắn rồi bị thương.
Dù cho kiến thức về loài chim của mình khá uyên thâm nhưng anh cũng không ngờ rằng loại chim bí ẩn nơi đây lại mang một nọc độc đáng sợ, sự chủ quan xem nhẹ vết thương khi thấy chúng sưng tấy nên anh thậm chí còn ngậm vết thương vào miệng!
Điều đó đã khiến anh suýt phải trả giá bằng cả mạng sống vì miệng bắt đầu ngứa, nóng, tê cóng tới vài giờ liền mà sau này anh mới biết là mình bị dính một loại chất độc có tên batrachotoxin (tương tự nọc của ếch Phi Tiêu) có thể làm tê liệt hệ thần kinh khi gây ức chế việc sản sinh ion.
Nọc độc của loài chim này tới từ đâu?
May thay lượng nọc độc ấy chưa đủ để khiến anh mất mạng nhưng nếu dính nhiều thì có thể làm hệ thần kinh tê liệt, không thể thở được, chảy máu nội tạng, cơ quan bị phá hủy và… tử vong! Nếu ăn thịt của chúng thì sẽ ngộ độc và đương nhiên mất mạng nếu ăn nhiều.
Nọc độc của loài chim chết người này tới từ các loại bọ cánh cứng có độc mà chúng thường ăn, cơ thể chim tuy có chất kháng độc nhờ quá trình tiến hóa nhưng chất độc không bị mất đi mà lan ra khắp cơ thể chim như da và lông hay có trong mỏ chim.
Pitohui chỉ có ở Papui New Guinea. (Ảnh Discover Life).
Chính vì vậy chỉ cần chạm vào lông thôi cũng đủ để bạn nhiễm độc chứ chưa nói tới việc ăn chúng. Giống như các loài có độc khác như ếch phi tiêu, loài chim này cũng sở hữu vẻ ngoài sặc sỡ như thể cảnh báo kẻ thù tránh xa vậy.
Ngoài ra mùi hôi đặc trưng cũng giúp dân bản địa biết được đó là loài chim độc Pitohui vì có mùi hôi rất giống rác, họ gọi chúng là “chim rác rưởi”.
Các nhà khoa học sau đó đã quan tâm tới loài chim này và phát hiện có 6 loài chim thuộc giống Pitohui và nguy hiểm nhất là loài Hooded Pitohui, chúng đều thuộc họ Oriolidae.
Chưa hết, khu rừng rậm New Guinea còn là ngôi nhà của nhiều loài chim độc khác mà các nhà nghiên cứu phát hiện thêm, như “Blue-capped Ifrita” thuộc họ Colluricinclidae có nguồn gốc trong tiếng địa phương là “slek-yakt”, chim đắng hoặc loài Little Shrikethrush.
Theo Trí Thức Trẻ