Ở loài chồn đất châu Phi meerkat, những cá thể cái có địa vị thấp kém trong đàn sẵn sàng làm vú nuôi cho con của cá thể cái thống trị để đổi lấy việc không bị trục xuất khỏi đàn.
>>> Lợi thế của động vật biết “nghiệp vụ” gián điệp
Theo tạp chí Animal Behaviour, kết luận trên được rút ra từ các dữ liệu thu thập được trong một nghiên cứu kéo dài từ năm 1996 – 2011 của các nhà khoa học Anh.
Khi mang thai, các con chồn cái meerkat thống trị trong đàn sẽ tích cực loại bỏ những phần tử chống đối. (Ảnh: nationalgeographic.com)
Nhóm nghiên cứu đã quan sát hành vi của 40 nhóm chồn meerkat và nhận thấy, hành vi “hối lộ” thường xuất hiện nếu các con cái có địa vị thấp kém vừa mới mất con hoặc trở về đàn sau khi bị trục xuất.
Kirsty Macleod, chuyên gia sinh vật học đến từ Đại học Cambridge (Anh) và là một thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích, ở loài chồn meerkat, khi các con cái thống trị mang thai, chúng sẽ tích cực đàn áp và ngăn cản những cá thể cái khác sinh sản bằng cách giết con sơ sinh hoặc trục xuất.
Cụ thể là, trong vài tuần cuối cùng của thai kỳ, chúng thường sẽ tìm cách tống cổ một số đối tượng “cứng đầu, cứng cổ nhất” nhất. Trong một đàn có thể có 4 – 5 con cái có địa vị thấp kém hơn và chống đối rất dữ dội.
Khi một con chồn cái mang bầu, nó nhiều khả năng sẽ giết chết con của một con cái khác nhằm cố gắng giành giật và bảo đảm sự chăm sóc cho các con của mình. Vì vậy, các con chồn cái có địa vị càng rắp tâm loại bỏ những đối thủ tiềm năng.
Những con chồn cái từng bị trục xuất sẽ làm “vú em” cho con của các cá thể cái thống trị để đổi lấy việc được quay trở lại đàn bình yên. (Ảnh: Animal Planet)
Đối với chồn meerkat, việc thuộc một nhóm hoặc đàn nào đó sẽ có lợi cho các cá thể cái hơn, vì nếu chỉ có một mình, chúng nhiều khả năng bị thú ăn thịt giết hại hơn. Trong nhiều trường hợp, các chồn cái bị trục xuất không bao giờ xuất hiện nữa, do đó, việc quay trở lại nhóm hoặc đàn thực sự thiết yếu đối với sự sinh tồn của chúng.
Các tác giả nghiên cứu khám phá ra rằng, việc làm vú nuôi cho con của những chồn cái thống trị là cách “hối lộ” để các con cái bị trục xuất được phép quay trở lại đàn, mà không vấp phải sự hắt hủi hoặc gây hấn nào nữa. Họ quan sát thấy, hành vi phổ biến của các chồn cái “hối lộ” là cho con của chồn thống trị ăn, chẳng hạn như bắt bọ cạp hoặc những động vật không xương sống rồi đưa cho chồn con ngốn ngấu.
Những con chồn “đổi công lấy sự yên thân” cũng tận tình trông coi con của kẻ thống trị khi chúng còn rất nhỏ. Chúng phải ở lì cả ngày trong các hang chồn để làm nhiệm vụ “trông trẻ”, đồng nghĩa với việc hy sinh cơ hội tìm kiếm thức ăn của ngày hôm đó.
Theo Vietnamnet, Daily Mail