Loài cóc nhỏ Palawan tái xuất sau gần nửa thế kỷ

Các nhà khoa học phát hiện loài cóc nhỏ Palawan biến mất suốt 40 năm qua tại Philippines, trong chuyến nghiên cứu rừng rậm năm ngoái.

Cóc “tuyệt chủng” gần nửa thế kỷ tái xuất

Trong chuyến khảo sát đa dạng sinh học tỉnh đảo Palawan hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà khoa học phát hiện loài cóc nhỏ Palawan (tên khoa học: Pelophryne albotaeniata), một loài lưỡng cư đặc hữu.

Cóc nhỏ Palawan (tên khoa học: Pelophryne albotaeniata), một loài lưỡng cư chỉ có thể được tìm thấy ở Palawan, Philippines. (Ảnh: Centre for Sustainability)

Loài này hiện bị Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào danh sách động vật bị đe doạ và đã không còn được nhìn thấy suốt 40 năm qua.

Cũng trong chuyến khảo sát, các nhà khoa học phát hiện loài động vật lưỡng cư giống giun có tên caecilian Sông Malatgan, đặc hữu ở tỉnh đảo Palawan. Nó không được giới khoa học nhìn thấy suốt 50 năm qua.

“Thực ra đó là sự trùng hợp. Một trong số các sinh viên vô tình đi qua nó và nghĩ đó là một con giun. Nhưng hoá ra, nó là loài lưỡng cư sông Malatgan“, Rafe Brown, một nhà sinh thái học về tiến hoá, thuộc Đại học Kansas, thuộc đoàn khảo sát, nói.

Trong khi nhiều khu rừng ở Philippines bị chặt phá để phục vụ phát triển, đào mỏ và nông nghiệp, đảo Palawan nhìn chung không bị tác động nhiều. Một nghiên cứu năm 2013 trên Science cho rằng Khu Bảo tồn Chim muông Thú rừng ở Palawan là khu vực bảo vệ không thể thay thế quan trọng thứ 4 trên thế giới, xét về việc bảo tồn đa dạng sinh học và các loài vật không thể tìm thấy ở một nơi khác.

 

Theo VnExpress