Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí PNAS, loài dê thuần dưỡng đã từng theo chân các nhà nông từ Trung Đông đến châu Âu vào thời đồ đá mới cách đây khoảng 10.500 năm.
Các phân tích ADN chứng minh rằng loài dê, vốn có mặt trong số động vật thuần dưỡng đầu tiên, có tính đồng dạng rất cao về mặt di truyền trên quy mô toàn cầu, không như loài bò hay cừu có những khác biệt về gien giữa các khu vực châu Âu, châu Á hay châu Phi.
Các tác giả nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm sinh thái học vùng Alps (Pháp) giải thích rằng điều này chứng tỏ loài dê đã bắt đầu di chuyển ở Trung Đông cách đây khoảng 10.500 năm từ khi ngành chăn nuôi được phát triển.
Các nhà khoa học đã rút ra kết luận này từ việc phân tích 24 mẫu xương dê được phát hiện trong một hang động nằm ở khu vực thời đồ đá mới Baume d’Oullen, miền Nam nước Pháp.
Loài dê thuần dưỡng được biết là đã đi lại nhiều trong suốt lịch sử nhân loại, nhưng thời điểm liên quan chưa bao giờ được xác định. Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là cuộc cách mạng thời đồ đá mới, một thời kỳ trong lịch sử nhân loại mà con người đã ngưng sống về nghề săn bắt và hái lượm để định cư và sử dụng nông nghiệp.
Theo các nhà nghiên cứu, loài dê có thể giữ một vai trò quan trọng khi nông nghiệp được phát triển và chúng có thể đã di chuyển trên những đoạn đường dài với những nhà nông đầu tiên.
T.Đ
Theo AFP, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh