Nhà nghiên cứu Stephanie Bush tại Viện Nghiên cứu Monterey Bay Aquarium mới phát hiện ra loài mực ống Octopoteuthis deletron có khả năng tự cắt bỏ một phần tua tay của mình khi tấn công hoặc khi bị kẻ thù tấn công để phòng vệ.
Theo Bush, O. deletron là loài mực ống duy nhất có thể tự động cắt một phần cánh tay của mình. Điều này khác với bạch tuộc là loài luôn tung ra toàn bộ xúc tu của mình khi ở trong tình thế căng thẳng.
Loài mực O. deletron có khả năng tự hủy một phần tua tay của mình (Ảnh: Phys.org)
Phát hiện trên đã được nhóm nghiên cứu của Bush chứng minh trong thí nghiệm, khi họ gắn một bàn chải vào 2 cánh tay mực O. deletron. Rồi để con mực này lặn xuống biển ở độ sâu 830m. Kết quả sau 10 giây ngừng chuyển động, con mực đã gỡ ra khỏi vật bị mắc bằng cách tự hủy một phần cánh tay.
Bush cũng tìm thấy kết quả tương tự, khi thử nghiệm chọc tức các con mực ống O.deletron trong phòng thí nghiệm, có 7 trong số 11 con tự hủy một phần cánh tay của mình. Hành vi này của mực giống như thằn lằn tự cắt đi phần đuôi của mình. Nhưng mực O.deletron cắt phần cánh tay ở gần đối tượng tấn công hơn nên giảm thiểu được sự mất mát của cơ thể.
Phát hiện mới này cũng cho biết thêm một tính năng tự vệ rất hấp dẫn của mực. Ngoài khả năng phun mực để tạo ra một đám mây đen cho phép nó thoát khỏi kẻ thù thì mực cũng có thể tự cắt phần tay của mình để chạy trốn. Kèm theo đó nó sẽ phun ra một luồng ánh sáng để đánh lạc hướng kẻ thù hay con mồi tạo điều kiện cho mực tấn công hoặc trốn thoát. Phần cánh tay bị mất sau đó sẽ được mực tái sinh nhưng phải mất một thời gian.
Theo Đất Việt, Physorg