Loài ký sinh trùng “ăn ngủ nghỉ” trên kính áp tròng

Loài ký sinh trùng

Việc đeo kính áp tròng khi bơi lội, hay không vệ sinh sạch sẽ là cơ hội khiến loài ký sinh trùng nhỏ bé này cư ngụ và ăn mòn giác mạc mắt.

Cận cảnh loài ký sinh trùng “ăn ngủ nghỉ” trên kính áp tròng

Với không ít bạn trẻ bị cận thị, việc sở hữu một cặp kính áp tròng không còn quá xa lạ. Sự tiện lợi, tính thời trang đã biến kính áp tròng này trở thành vật “bất ly thân” của một số bạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được sự nguy hiểm tiềm ẩn mà cặp kính này mang lại.

Có rất nhiều trường hợp đã từng được ghi nhận về việc sử dụng kính nhiễm bẩn gây hại cho mắt. Trường hợp gần đây nhất được ghi nhận là của Jessica Greaney (18 tuổi) thuộc ĐH Nottingham (Anh).

Hình ảnh Jessica Greaney với một bên mắt bị nhiễm ký sinh trùng.

Cô đã phải tra thuốc nhỏ mắt 10 phút/lần trong suốt 7 ngày liên tiếp sau khi các bác sĩ phát hiện một sinh vật có tên khoa học là Acanthamoeba castellanii “ăn, ngủ” trong mắt cô gái trẻ.

Vậy sự thật về loài ký sinh trùng này như thế nào, liệu nó có là kẻ thù tiềm tàng với những người gây nguy hại gì đến giác mạc trong mắt của bạn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chúng.

Acanthamoeba castellanii là một sinh vật được tìm thấy phổ biến trong hệ sinh thái trên toàn thế giới. Báo cáo gần đây cho thấy, sinh vật này cư trú nhiều ở trong đất, nước máy, nước biển, bụi, sông hồ hay bể bơi, đặc biệt dính và bám trên dụng cụ kính áp tròng.

Loài ký sinh trùng đơn bào này rất nhỏ, dài khoảng 15 – 35 micromet, có hình bầu dục khi di chuyển. Thông thường, ký sinh trùng A. castellanii sẽ sống dựa vào cách ăn vi khuẩn – những vi khuẩn thường thấy trong kính áp tròng bẩn.


Chu kỳ sinh học và phát triển của A. castellanii.

A. castellanii xâm nhập vào cơ thể thông qua mắt, mũi họng, đường hô hấp, kính áp tròng, hay các vết thương bị viêm loét da trên cơ thể…

Sau khi trú ngụ được trên cơ thể, chúng sẽ vỗ béo mình bằng cách ăn vi khuẩn tồn tại trong mắt kính áp tròng bẩn, vết thương hở.

Nếu A. castellanii “lọt” vào cơ thể qua đường hô hấp, chúng sẽ xâm nhập vào các mô liên kết, dần tiến thẳng tới trung khu thần kinh trung ương thông qua hệ tuần hoàn.

Sự tấn công này sẽ khiến người bệnh dễ mắc chứng viêm não dạng u hạt do amip (granulomatous amebic encephalitis – GAE) hay bệnh lý nhiễm trùng toàn thân. Cùng với đó, A. castellanii sẽ khiến bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, phù não nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.

Do thường cư trú tại kính áp tròng bẩn nên A. castellanii rất dễ xâm nhập vào mắt nếu như người dùng không vệ sinh kính cẩn thận.

Bên cạnh đó, kính áp tròng cũng có thể bị nhiễm khuẩn do tiếp xúc với nước khi bơi, bồn tắm nước nóng, bị nước máy bắn vào mắt, hay là kết quả của vệ sinh cá nhân kém. Chế độ khử trùng không phù hợp đã phần nào thúc đẩy sự tăng trưởng của ký sinh trùng bám trên mắt kính.

Khi đeo kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng A. castellanii, chúng sẽ bắt đầu tấn công, ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi nảy nở.

Một số nghiên cứu chỉ ra, chỉ trong chưa đầy một ngày đeo kính, loại amip này đã gặm nhấm 70 dây thần kinh thị giác.

Hậu quả cuộc ghé thăm của A. castellanii là triệu chứng mắt ngứa rát, chảy nước mắt, mắt nhìn mờ, nhạy cảm ánh sáng, sưng phồng mí, đau mắt.

Nguy hiểm hơn, A. castellanii sẽ ăn mòn nhãn cầu khiến người bệnh bị mất thị lực vĩnh viễn. Do đó, khi bạn dùng kính áp tròng mà thấy mắt bị sưng, viêm, ngứa, đau hoặc tiết nhiều nước mắt thì nên tháo ngay kính áp tròng và đi khám bác sĩ. Việc điều trị đúng, kịp thời sẽ giúp bạn tránh được hậu quả đáng tiếc về sau.

Một vài tips nhỏ dành cho bạn thường sử dụng kính áp tròng:

  • Không nên đeo kính áp tròng quá lâu, nhất là khi ngủ, khi bơi lội.
  • Không đặt kính ở nơi có nhiệt độ cao, khô hoặc ở gần bếp lửa sẽ khiến kính áp tròng bị biến dạng.
  • Không dùng nước vòi hay dung dịch tự chế để tạo ẩm cho kính, thay vào đó là dùng dịch nhân tạo vô trùng để vệ sinh, làm ẩm.
  • Không nên ham rẻ, mua kính trôi nổi trên thị trường, kính có màu sắc sặc sỡ mà dùng kính theo đơn và có tư vấn cẩn thận của bác sĩ.

 

Theo Trí Thức Trẻ