Loại ma túy tổng hợp gây ảo giác Flakka được cho là nguyên nhân khiến nam sinh người Mỹ sát hại cặp vợ chồng ở Florida rồi cắn nát mặt nạn nhân.
Theo Independent, khi tới hiện trường một vụ giết hai vợ chồng ở hạt Martin tối hôm 15/8, cảnh sát bang Florida, Mỹ nhìn thấy Austin Kelly Harrouff, một nam sinh 19 tuổi, đang dùng răng cắn xé từng mảng mặt của một nạn nhân. Họ nghi ngờ nguyên nhân có thể do flakka, hay còn gọi là muối tắm, loại ma túy tổng hợp mạnh rất phổ biến ở miền nam bang này.
Theo William Snyder, cảnh sát trưởng hạt Martin, nghi phạm Harrouff khỏe một cách khác thường. Harrouff không có tiền sử phạm tội trước đây và không có động cơ rõ ràng trong vụ tấn công.
Ma túy gây ảo giác flakka. (Ảnh: Drug Enforcement Agency).
Các điều tra viên vẫn đang làm việc để xác định dấu vết của flakka trong máu nghi phạm. Tuy nhiên, vụ việc góp phần phơi bày vấn nạn sử dụng chất gây ảo giác tổng hợp ở miền nam Florida.
Theo Mạng lưới Trung tâm Chống độc Texas (TPCN), flakka có tên đầy đủ là alpha-pyrrolidinopentiophenone (alpha-PDP), một loại ma túy sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc với giá 5 USD một liều. Loại ma túy này có màu trắng hoặc hồng, mùi hôi, đôi khi được gọi là “sỏi” do có hình dáng tương tự những viên đá trang trí đáy bể cá.
Flakka là chất kích thích thần kinh chiết xuất từ lá cây khat (Catha edulis), còn có biệt danh là “muối tắm”. Flakka được tổng hợp như một nguồn thay thế hợp pháp cho những loại ma túy bị cấm khác. Việc sử dụng flakka chỉ bị cấm ở Anh và Mỹ. Tác dụng kích thích của thuốc giúp tăng cường sự tỉnh táo, khả năng tập trung và sức mạnh.
Flakka lần đầu bị nghi có liên quan tới vụ một người đàn ông ăn thịt đồng loại ở Florida năm 2014. Tuy nhiên, khám nghiệm pháp y không phát hiện ma túy trong cơ thể nghi phạm. Vụ tấn công mới nhất do Harrouff gây ra một lần nữa làm dấy lên giả thuyết ăn thịt người là dấu hiệu của việc sử dụng chất ma túy như flakka, nhưng cảnh sát chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Nghi phạm Austin Kelly Harrouff. (Ảnh: The Palm Beach Post).
Theo TPCN, flakka có thể gây mê sảng phấn khích dẫn đến quá khích, hoang tưởng và ảo giác, cuối cùng là tấn công bạo lực. Các phương tiện truyền thông mô tả nó có thể đem đến cho người sử dụng sức mạnh giống như siêu nhân. Tác dụng phụ này vẫn chưa được các nhà nghiên cứu xác nhận và có thể là cách phóng đại độ nguy hiểm của thuốc. Dù vậy, flakka gây nghiện và dễ gây chết người nếu sử dụng quá liều.
“Nhiều người sử dụng không thích những ảnh hưởng có hại từ ma túy”, Jim Hall, nhà dịch tễ học ở Đại học Nova Southeastern, Mỹ, cho biết. “Nhưng họ vẫn không thể chống lại việc tiếp tục sử dụng thuốc bởi nó gây nghiện”.
Ở hạt Broward, Florida, có 60 người sử dụng flakka chết vào cuối năm 2015, chỉ 14 tháng sau khi loại ma túy này bắt đầu trở nên phổ biến trong khu vực. “Tôi nhớ từng bị những con co giật, hoang tưởng kéo dài và cảm giác mọi người đuổi theo tôi, nói chuyện về tôi. Tôi vẫn bị ác mộng và phải đi điều trị”, một phụ nữ 37 tuổi tên Stephanie chia sẻ về hậu quả của việc nghiện flakka.