Các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản phát hiện và công bố một loài nhái cây mới với mẫu thu được tại tỉnh Kon Tum và Gia Lai, Tây Nguyên, Việt Nam dựa trên phân tích về phát sinh chủng loài phân tử và các đặc điểm hình thái.
Bài báo được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Russian Journal of Herpetology tập 21 số 4 năm 2014, trang 295-302. Đây là phát hiện loài nhái cây mới thứ 2 thuộc giống Kurixalus ở Tây Nguyên năm 2014, nâng tổng số loài thuộc họ ếch cây ghi nhận ở Việt Nam lên 73 loài (20% tổng số loài thuộc họ ếch cây của thế giới), và là nước đa dạng nhất về thành phần loài ếch cây ở khu vực Đông Dương.
Loài nhái cây mới có tên khoa học là Kurixalus motokawai (nhái cây mô-tô-ka-wa) nhằm vinh danh Tiến sĩ Masaharu Motokawa thuộc trường Đại học Kyoto – nhà nghiên cứu động vật có vú với những đóng góp của ông trong nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Nhái cây Kurixalus motokawai con đực. (Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo)
Kết quả so sánh trình tự DNA ty thể đã chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa loài Kurixalus motokawai với các loài khác trong giống Kurixalus, tuy nhiên cùng nhánh phát sinh tiến hoá với K.banaensis và K.viridescen. Hình thái nhái cây mô-tô-ka-wa có đặc điểm gần giống với loài nhái cây bà nà K.banaensis, khác biệt về kích thước cơ thể con đực nhỏ hơn, hình dạng của đầu mõm và phần phụ da ở lỗ huyệt; và khác với K. viridescensở đặc điểm con cái nhỏ hơn, lưng màu nâu và có những đốm đen.
Nhái cây Kurixalus motokawai con cái. (Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo)
Nhái cây mô-tô-ka-wa có kích thước trung bình, con đực từ 23,2 – 28.4mm, các giác bám hình đĩa rất rõ, đây là đặc trưng của những loài ếch sống trên cây. Mút mõm khá nhọn, da trên lưng ở cả cá thể đực và cá thể cái có màu lục nhạt và màu nâu xám, không đồng nhất với các đốm khác màu. Ở một số cá thể đực phần đỉnh đầu có màu xám và phần da lưng có màu xanh và màu nâu nhạt không đồng nhất. Mặt bụng màu trắng nhạt, cùng màu với mặt dưới của giác bám ở cả chân trước lẫn chân sau.
Theo Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam