Loài nhện bám vào tường nhờ tơ

Loài nhện bám vào tường nhờ tơ

Một số loài nhện đã phát triển những cơ chế cho tới nay chưa được biết đến nhằm tránh nguy cơ bị trượt khỏi bức tường chúng đang bám. Các nhà nghiên cứu Đức đã phát hiện rằng loài nhện sói tiết ra một chất tơ có độ dính nhờ những tuyến bé xíu nằm trên chân cho phép chúng di chuyển trên những bề mặt thẳng đứng và láng.

Loài nhện bám vào tường nhờ tơ
Nguồn: spiderzrule

Nhóm nghiên cứu do Stanislas Gorv thuộc Viện Max Planck dẫn đầu đã ghi nhận loài nhện sói Aphonopelma seemanni ở Costa Rica có khả năng nhả ra những sợi tơ nhày nhớt với đường kính từ 0,2 đến 1 micromet từ bốn cặp chân khi có nguy cơ bị trượt trên một cửa kính.

Các nhà nghiên cứu khẳng định phát hiện này sẽ gây nhiều thắc mắc mới về sự tiến hóa của loài nhện hiện đại.

Loài nhện có mang trên bụng một chiếc túi tiết ra tơ giúp chúng dệt mạng. Theo các nhà nghiên cứu, loài nhện có thể đã bắt đầu tiết ra tơ từ chân nhằm tránh bị trượt và duy trì sự sống còn.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ phân tích gien của tơ được tiết ra từ chân nhện nhằm so sánh với loại tơ “cổ điển” của các mạng nhện. Loại tơ này từng là mục tiêu của nhiều nghiên cứu của các nhà hóa học về độ bền và đàn hồi để ứng dụng trong công nghiệp.

 

Theo RC, Đài truyền hình TP HCM