Loài động vật thuộc họ thằn lằn nhưng lại mang hình thù cá sấu đang trên đà tuyệt chủng, hiện Việt Nam chỉ còn 100-150 cá thể ngoài tự nhiên.
Các nhà khoa học Việt Nam đang kêu gọi bảo tồn loài thằn lằn cá sấu, tên khoa học là Shinisaurus crocodilurus, khi số lượng ngày càng giảm, từ hàng chục nghìn xuống hơn 100 cá thể ngoài tự nhiên sau một thế kỷ. Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) đang chăm sóc, nhân giống loài này.
Trước đây thằn lằn cá sấu chỉ ghi nhận ở nam Trung Quốc và gần đây mới tìm thấy ở vùng đông bắc Việt Nam. Chiều dài thân khoảng 150-160 mm, đuôi dài 171-210 mm, đầu ngắn và hàm trên vát. Chúng có nhiều nốt sần nhô, chân có vuốt sắc nhọn, lưng màu nâu xám, đuôi dài với hàng gai dựng đứng.
Mối đe dọa chính của loài là mất đi sinh cảnh sống do phát nương làm rẫy, khai thác than và cháy rừng. Chúng chỉ có thể tồn tại ở dạng sinh cảnh suối đá có nguồn nước sạch trong rừng xanh không bị tác động. Bên cạnh đó số lượng loài ngày càng giảm do con người săn bắt quá mức vì mục đích nuôi làm cảnh. (Ảnh: Thomas Ziegler)
Dù là loài hiếm nhưng theo các chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, chúng ít được nghiên cứu. Trên thị trường và mạng xã hội loài này có thời điểm giao bán giá lên đến 2.000 đôla Mỹ. (Ảnh: Thomas Ziegler).
Thằn lằn cá sấu có khả năng leo trèo giỏi nhưng lại thích sống dưới nước. Điều đặc biệt ở chúng khiến nhiều người ngạc nhiên là việc sở hữu ngoại hình cá sấu, với bộ da sần sùi, đuôi dài có hai hàng gai dựng đứng kiểu săn mồi ẩn nấp dưới mặt nước như cá sấu và khả năng bơi không thua kém các loài dưới nước. Đây cũng là điểm độc đáo khiến nhu cầu tìm mua để làm cảnh của người dân ngày càng gia tăng.
Nhằm bảo tồn loài động vật đặc biệt trên, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đang nhân nuôi sinh sản. Thế hệ đầu tiên đã thành công và hy vọng thời gian tới duy trì bảo tồn quần thể của loài trong điều kiện nuôi nhốt nhân tạo, cung cấp nguồn giống để phục vụ chương trình tái thả tự nhiên. (Ảnh: Thomas Ziegler).
Theo nhân viên tại Trạm này, thằn lằn cá sấu là loài động vật biến nhiệt nên nuôi không dễ, cần để ý nhiệt độ ở chuồng trại thường xuyên. Chúng chủ yếu ăn côn trùng, giun đất.
Loài này được cộng đồng châu Âu (EU), Việt Nam và Trung Quốc đề xuất nâng hạng từ Phụ lục II lên Phụ lục I do số lượng cá thể hiện rất ít. Trạm đa dạng sinh học Mê Linh cho biết, trên thế giới, loài này chỉ còn ở Trung Quốc khoảng 1.000 con. Ở Việt Nam còn trên 100 con, sinh sống ở khu vực rừng Yên Tử thuộc hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh.
Theo VnExpress